Làng gốm Bát Tràng cách Hà Nội 10 km, đi qua cầu Chương Dương, rẽ phải. Cứ thế, xuôi theo dòng sông Hồng, qua những ngôi làng cũ kỹ ven sông, qua những con đường bạt ngàn cây trái, lúa ngô là đến. Những ngày này, rất nhiều xe tải chở hàng và bạn trẻ chạy xe máy chạy trên con đường đến với ngôi làng cổ 500 tuổi.
Từ đầu làng vào đến sâu bên trong vài trăm mét là hai dãy cửa hàng to đẹp, bày bán đủ loại sản phẩm do các lò gốm trong làng làm ra. Những bộ bát đĩa xinh xắn, bộ cốc nhiều hình dáng màu sắc, chiếc thìa, bộ kê đũa, cốc trà, lọ hoa đủ kích cỡ cho đến bức phù điêu, tượng, đồ trang trí... được bày dễ nhìn và bắt mắt. Đa phần gian hàng của các gia đình đều bày bán sản phẩm giống nhau, chỉ khác một chút về kiểu dáng, chất liệu. Tuy nhiên, mỗi cửa hàng cũng có mẫu mã độc, được đặt làm riêng, giá cả tùy vào chất lượng.
Khu chợ Bát Tràng nằm sâu bên trong làng, giá cả thấp hơn bán ở các cửa hàng bên ngoài ít nhiều. Cả chợ có vài chục gian hàng và hàng nghìn sản phẩm được bày bán trên các kệ. Khách có thể mặc cả và thoải mái chọn lựa những đồ yêu thích.
Ngoài bát đĩa, ấm chén, làng Bát Tràng còn làm nhiều sản phẩm khác như đồ thờ tự và trang trí nội, ngoại thất như độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ, các bộ tượng tam đa, tam thánh, chậu hoa, con giống, gạch trang trí cao cấp... Gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng: Men lam, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn, men nâu. Dáng gốm thoáng, nhìn mát mắt. Men màu tự nhiên, phóng khoáng. Để có đất sét làm gốm, người Bát Tràng phải mua đất từ Vĩnh Phú hay làng Dâu bên Bắc Ninh.
Khách đến Bát Tràng có thể thưởng ngoạn một chuyến tham quan quanh khu làng ngày đêm đỏ lửa lò nung bằng một cuốc xe trâu thư giãn. Bạn cũng có thể tự tay làm cho mình những chiếc cốc ngộ nghĩnh trong một xưởng nào đó. Các bạn trẻ thường rất thích được tự tay tô tượng hay nặn những sản phẩm của riêng mình.
Hàng Bát Tràng được bày bán ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam cho đến ra nước ngoài. Trong các kệ hàng tại siêu thị, bạn có thể tìm được những bộ bát đĩa ưng ý mang thương hiệu Bát Tràng.
Lam Linh