Trong thư gửi thẩm phán Lewis Kaplan tuần qua, các công tố viên Mỹ nêu hàng loạt thay đổi trong điều kiện bảo lãnh tại ngoại của Sam Bankman-Fried (SBF). "Bankman-Fried được phép dùng điện thoại nắp gập hoặc điện thoại không phải smartphone, không có khả năng kết nối Internet hoặc bị vô hiệu hóa tính năng này. Người này bị cấm liên lạc với nhân viên, cựu nhân viên FTX và Alameda", thư có đoạn.
SBF cũng được dùng laptop nhưng giới hạn tính năng, chỉ truy cập vào những website giúp chuẩn bị cho quá trình bào chữa, hoặc những dịch vụ được công tố viên coi là không gây ra mối đe dọa như Netflix, Doordash và Uber Eats. Các thiết bị phải cài phần mềm theo dõi hoạt động trên mạng và công tố viên có quyền kiểm tra định kỳ.
Biện pháp trên được đưa ra sau khi SBF bị tố dùng ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal và mạng riêng ảo VPN để liên hệ với một số cựu nhân viên.
Ngày 22/12/2022, thẩm phán Gabriel W. Gorenstein tại bang New York đã chấp thuận đề xuất tại ngoại của SBF với mức bảo lãnh kỷ lục 250 triệu USD. Cựu CEO này phải đeo vòng giám sát điện tử, nộp hộ chiếu và quản thúc tại nhà của cha mẹ ở Palo Alto, California, trong khi chờ phiên xử vào tháng 10 năm nay.
Cha mẹ của SBF cũng phải nộp danh sách chứa số serial và địa chỉ MAC của iPhone, laptop, máy tính iMac tại nhà. Họ cũng bị yêu cầu cài phần mềm giám sát có khả năng quay video và chụp ảnh người sử dụng theo định kỳ.
Sam Bankman-Fried hiện đối mặt với 8 tội danh, chủ yếu liên quan đến gian lận và các âm mưu tài chính, với mức án cao nhất là tù chung thân. Bản án có thể thay đổi nếu ông hợp tác điều tra hoặc nhận tội.
FTX được Bankman-Fried thành lập năm 2019. Đến tháng 7/2021, sàn có hơn một triệu người dùng và trở thành sàn tiền số lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng giao dịch, theo CoinMarketCap. FTX được định giá 32 tỷ USD và là đối thủ đáng gờm của Binance. Sự lớn mạnh của sàn góp phần giúp Bankman-Fried luôn nằm trong danh sách tỷ phú. Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, FTX sụp đổ do người dùng ồ ạt rút tiền, sau khi xuất hiện những tài liệu cho thấy sàn hoạt động không minh bạch.
Điệp Anh (theo Business Insider)