Trên The Guardian, Andrew Wylie - đại diện nhà văn - cho biết sáng 14/8, ông đã tháo ống thở, có thể giao tiếp, nói chuyện, thậm chí nói vài câu đùa. Hai ngày trước, khi giao lưu ở Viện giáo dục Chautauqua, ông bị một người nhảy lên sân khấu, dùng dao đâm ở cổ và bụng. Nhà văn được đưa đi cấp cứu bằng trực thăng, nhập viện với tình trạng "khá bi quan". Ông trải qua nhiều giờ được cứu chữa vì gan tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ mù một mắt vì bị đấm.
Vụ tấn công diễn ra trước sự ngỡ ngàng của khán giả và ban tổ chức sự kiện. Theo AP, điều tra ban đầu cho biết nghi can đâm nhà văn là Hadi Matar - một người New Jersey, 24 tuổi, bị từ chối bảo lãnh. Động cơ tấn công chưa được làm rõ. Trong phiên tòa ngắn sau khi bị bắt giữ, người này phủ nhận tội giết người.
Vì quyển Những vần thơ của quỷ Satan - bị cho là báng bổ nhà tiên tri Mohammed, năm 1989, giáo chủ Ruhollah Khomeini của Iran ra sắc lệnh Fatwa cho tín đồ đạo Hồi toàn thế giới truy nã tử hình Salman Rushdie. Với án tử lúc nào cũng treo lơ lửng, ròng rã nhiều năm, Rushdie "sống trong bóng tối", được lực lượng cảnh sát Anh bảo vệ - nguồn cơn sự chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ ngoại giao Anh và Iran.
Tháng 9/1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình. Năm 2007, Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ cho nhà văn. Nhưng đến năm 2019, Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran đương nhiệm, phát thông điệp qua Twitter, cho rằng giáo lệnh từ cố giáo chủ Khomeini là "không thể thay đổi".
Vụ tấn công Salman Rushdie gây chấn động văn đàn thế giới. Nhiều nhà văn, nhà hoạt động xã hội ngưỡng mộ sự can trường của Rushdie khi nhiều năm đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận. Ian McEwan - nhà văn, người bạn lâu năm của Rushdie - gọi ông là "một hậu vệ truyền cảm hứng cho các nhà văn, nhà báo trên khắp thế giới". Kal Penn - diễn viên, tác giả - xem ông là "hình mẫu cho một thế hệ nghệ sĩ noi theo".
Nhiều chính trị gia cũng lên tiếng về vụ tấn công Salman Rushdie. Tổng thống Mỹ - Joe Biden - cho biết "sốc và đau buồn" trước sự việc.
Rushdie sinh ngày 19/6/1947 tại Bombay (Mumbai), Ấn Độ trong một gia đình trí thức giàu có, mẹ là giáo viên, cha là một luật sư và doanh nhân từng học tại Đại học Cambridge (Anh), ngôi trường danh tiếng mà sau này Salman Rushdie theo học ngành lịch sử.
Văn chương mang lại cho Salman Rushdie danh tiếng, giải thưởng, như giải Booker, Whitbread, James Tait Black... nhưng cũng biến ông thành "tội đồ", một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất văn đàn. Năm 1981, ở tuổi 34, ông nhận giải Booker cho tiểu thuyết Midnight's Children. Tác phẩm, câu chuyện ngụ ngôn về Ấn Độ thời hiện đại, lập tức gây tiếng vang và đưa tên tuổi Rushdie lên tầm thế giới.
Bảy năm sau Midnight's Children, ở tuổi 41, Rushdie phát hành tiểu thuyết thứ tư - The Santanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan) - tác phẩm đẩy ông vô vòng rắc rối cho đến nay. Cuốn sách từng lọt vào chung kết giải Booker và đoạt giải Costa nhưng bị nhiều người Hồi giáo cáo buộc báng bổ đạo Hồi.
Nhiều tác phẩm của Rushdie từng được phát hành ở Việt Nam như: Haroun và biển truyện (Nham Hoa dịch, Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam, 2010), Nàng phù thủy thành Florence (Nguyễn Thị Hiền Thảo dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam, 2013), Những đứa con của nửa đêm (Nham Hoa dịch, Nhà xuất bản Văn học và Nhã Nam, 2014), Nhà Golden (dịch giả Đăng Thư, NXB Hội Nhà văn, 2018)...
Mai Nhật