
Saladin là chiến binh bất khả chiến bại của thế giới Hồi giáo thời cổ đại. Ảnh: Wikipedia
Saladin, vua Hồi giáo của Ai Cập và Syria, là người sáng lập ra vương triều Ayyub. Ở thời đỉnh cao quyền lực, vương quốc của ông bao gồm Ai Cập, Syria, Mesopotamia, Hejaz, Yemen và một phần khu vực Bắc Phi.
Saladin nổi tiếng là một vị minh quân, một chiến binh dũng cảm, trọng danh dự và công bằng. Sự khoan dung, độ lượng, nghĩa hiệp của Saladin được nhắc đến nhiều lần trong những tài liệu lịch sử của các học giả Thiên chúa giáo. Ông cũng nhận được sự kính trọng của rất nhiều tướng lĩnh và lãnh đạo của quân Thập tự chinh, trong đó có vua Richard I nước Anh.
Năm 1138, Saladin (tên thật là Yusuf) được sinh ra trong một gia đình người Kurd gốc Armenia tại Tikrit, Iraq. Najm ad-Din Ayyub, cha của Saladin, là người cai quản lâu đài ở Tikrit.
Saladin trải qua thời niên thiếu của mình ở Damascus, Syria, một trong những thành phố lớn của thế giới Hồi giáo. Khi còn trẻ, Saladin có vóc dáng gầy, ham học và tính cách trầm lặng.
Khởi đầu chinh chiến
Sau khi tham gia một trường đào tạo quân sự, Saladin, lúc đó 26 tuổi, cùng với người chú tên Shirkuh tiến hành cuộc viễn chinh ở Ai Cập vào năm 1163 để khôi phục chức vụ cho Shawar, tể tướng của vương triều Fatimid. Sau đó, Shawar yêu cầu quân đội của Shirkuh rút lui nhưng bị Shirkuh từ chối. Năm 1169, Shirkuh và Saladin tiếp tục đưa quân tiến vào Cairo và nắm quyền kiểm soát thành phố. Saladin bắt giữ tể tướng Shawar, và đích thân Shirkuh hành quyết ông ta. Khi Shirkuh qua đời, Saladin trở thành Tổng tư lệnh của vương triều Fatimid.
Sau khi phát hiện ra âm mưu ám sát mình của một số binh sĩ Fatimid da đen, Saladin giải tán 50.000 lính gốc Phi và thay thế bằng binh sĩ Syria. Saladin cũng đưa các thành viên của gia đình mình vào chính quyền. Năm 1171, Saladin xóa bỏ triều đại Fatimid và thành lập triều đại Ayubbid tại Ai Cập, áp đặt dòng Hồi giáo Sunni thay cho dòng Shiite của triều đại Fatimid.
Tháng 4/1173, Saladin mở rộng biên giới của vương triều Ayubbid về phía vùng đất nay là Libya và Yemen. Ông hành quân đến Damascus và kiểm soát Syria. Các cư dân người Arab và người Kurd ở Syria hân hoan chào đón Saladin vào thành phố. Tuy nhiên, người cai trị Aleppo không đầu hàng và từ chối chấp nhận Saladin là Hồi vương (sultan) cho đến năm 1183.
Tháng 5/1182, Saladin mang một nửa quân đội rời khỏi Ai Cập để tấn công vương triều Zengid đang cai trị vùng Lưỡng Hà khi thỏa thuận đình chiến chuẩn bị hết hiệu lực vào tháng 9. Saladin thu phục lần lượt từng thành phố lớn, bao gồm Edessa, Saruj, ar-Raqqah, Karkesiya, và Nusaybin.

Saladin tiến vào Jerusalem. Ảnh: Flickr
Đụng độ quân Thập tự chinh của châu Âu
Tháng 9/1182, khi nhận thấy thời cơ chín muồi, Saladin tấn công vương quốc Jerusalem của người Cơ Đốc ở bên kia sông Jordan. Raynald xứ Chatillon, người lãnh đạo quân Thập tự chinh của Jerusalem, châm ngòi cho cuộc chiến khi đe dọa tấn công vào các thành phố linh thiêng Medina và Mecca. Saladin trả đũa bằng cách vây hãm lâu đài Karak của Raynald. Đáp lại, Raynald tấn công những người Hồi giáo hành hương đến Mecca.
Ngày 4/7/1187, quân đội của Saladin đụng độ với quân đội kết hợp của vương quốc Jerusalem do vua Guy de Lugsinan lãnh đạo và vương quốc Tripoli của vua Raymond III. Đây là chiến thắng vang dội của Saladin và quân đội Ayubbid, gần như xóa sổ các hiệp sĩ Thập tự chinh châu Âu, đồng thời bắt giữ vua Guy de Lugsinan.
Saladin đích thân chặt đầu Raynald, người từng tra tấn, giết hại những người hành hương Hồi giáo và nguyền rủa nhà tiên tri Muhammad. Vua Guy de Lugsinan tin rằng mình sẽ là người bị giết tiếp theo, nhưng Saladin tha chết và trấn an vị vua này. Các xử sự khoan dung của Saladin đối với vua Jerusalem đã giúp củng cố danh tiếng của ông ở phương Tây. Ngày 2/10/1187, thành phố Jerusalem đầu hàng quân của Saladin sau một cuộc bao vây.
Cơ Đốc giáo châu Âu kinh hoàng trước thông tin Jerusalem rơi vào sự kiểm soát của Hồi giáo. Châu Âu nhanh chóng tiến hành một cuộc Thập tự chinh nhằm đàn áp quân đội Hồi giáo, dẫn đầu bởi vua Richard I của nước Anh (còn gọi là Richard Tim Sư tử). Năm 1189, quân đội của Richard tấn công Acre, khu vực bây giờ là phía bắc Israel, tàn sát 3.000 tù binh là người Hồi giáo, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em. Để trả thù, Saladin giết chết mọi binh lính Cơ Đốc giáo mà quân đội của ông bắt gặp trong hai tuần kế tiếp.
Ngày 7/9/1191, quân đội của Richard đánh bại Saladin tại Arsuf. Sau đó, Richard di chuyển quân tới Ascalon, nhưng Saladin trước đó đã ra lệnh bỏ trống và phá hủy thành phố này. Khi quân đội của Richard xuống tinh thần do phải hành quân xa, lực lượng của Saladin tiến đánh, giết chết và bắt giữ hầu hết kẻ thù. Richard tiếp tục cố gắng chiếm lại Jerusalem nhưng không thành công do quân đội chỉ còn sót lại 50 hiệp sĩ và 2.000 bộ binh.
Đầu năm 1193, vua Richard rút quân. Không lâu sau đó, Saladin qua đời vì sốt tại thủ đô Damascus, vào ngày 4/3/1193. Khi biết rằng thời gian sống của mình không còn nhiều, Saladin hiến tặng tất cả tài sản của mình cho người nghèo. Ông được chôn cất trong lăng mộ đơn giản, nằm bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus.
Lê Hùng