Giấy phép xả thải vào nguồn nước của Vedan được lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường ký ngày 23/4/2008. Theo đó, Vedan được phép xả thải vào nguồn nước tại 2 cửa xả trên sông Thị Vải và rạch Nước Lớn trên địa phận huyện Long Thành (Đồng Nai).
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc cấp giấy phép xả nước thải phải tuân theo những quy định tại Nghị định 149. Công ty xin phép phải có hồ sơ, được hội đồng thẩm định đồng ý đề xuất Bộ cấp giấy phép.
"Chúng tôi khẳng định, với quy trình này, Bộ Tài nguyên Môi trường đã làm đúng. Vấn đề ở đây là việc phân tích mẫu nước tại nguồn tiếp nhận thì Bộ không thể trực tiếp tham gia được", ông Hà nói.
Vedan dựng hệ thống xử lý nước thải như "trận đồ bát quái". Ảnh: Cục CSMT. |
Ông Hà cho rằng, trách nhiệm phân tích mẫu nước thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai vì trong công văn của Sở gửi về Bộ cũng đã xác nhận chất lượng nguồn nước tiếp nhận đảm bảo theo quy định và kiến nghị Bộ cấp phép cho Công ty Vedan. Bộ yêu cầu chất lượng nguồn nước tiếp nhận vào sông Thị Vải phải đạt loại B (nước phục vụ sản xuất nông nghiệp) là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy định của pháp luật.
Trả lời báo Lao Động ngày 17/9, ông Hoàng Văn Thống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, do lượng nước thải của Vedan trên 5.000 m3 một ngày nên theo quy định, việc cấp giấy phép và thanh kiểm tra thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên Môi trường.
Trước thông tin cho rằng, nhiều thành viên hội đồng thẩm định có ý kiến phản đối cấp giấy phép cho Vedan, ông Lê Bắc Huỳnh - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên Môi trường - khẳng định, việc cấp giấy phép xả nước thải cho công ty Vedan dựa trên cơ sở báo cáo của công ty cũng như ý kiến của hội đồng khoa học, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và cơ quan quản lý của trung ương, địa phương.
"Trong quá trình xem xét cấp giấy phép xả nước thải cho công ty Vedan, chúng tôi đã có lần trả lại hồ sơ. Có thể vì điều này mà có thông tin cho rằng nhiều thành viên trong hội đồng thẩm định phản đối cấp giấy phép cho công ty Vedan", ông Huỳnh giải thích.
Các đường ống dẫn nước thải chỗ nổi, chỗ chìm, chạy vòng vo lẫn cả vào ống cấp nước, cấp nguyên liệu. Ảnh: Cục CSMT. |
Theo ông Huỳnh, hồ sơ đầu tiên mà hội đồng thẩm định nhận được từ Vedan vào tháng 3/2007. Hồ sơ này không đủ điều kiện, hội đồng thẩm định không đồng ý và trả lại ngay.
"Sau đó, chúng tôi nhận được hồ sơ mới, hội đồng thẩm định có biên bản đã nhất trí xem xét đề nghị cấp phép, nhưng yêu cầu phải có các biện pháp kiểm tra, giám sát, buộc doanh nghiệp thực hiện đúng quy định trong giấy phép như chất lượng nước thải đạt loại B, nơi xả nước, lượng nước thải", ông Huỳnh nói.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai, Vedan từng bị xử phạt 4 lần, với tổng tiền 23 triệu đồng vì xả thải không đạt chuẩn, từng phải đền bù 15 tỷ đồng cho nông dân dưới danh nghĩa hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Lần cuối cùng Vedan bị phạt mức 9 triệu đồng là tháng 7/2005, vì "thực hiện không đúng những nội dung trong đánh giá tác động môi trường" và "xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép". |
Nguyễn Hưng