Sáng 24/5, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang họp rút kinh nghiệm về quản lý đất đai ở đảo Phú Quốc. Qua kiểm tra, thanh tra về quản lý đất đai trên đảo đã phát hiện 5 dạng sai phạm phổ biến: (1) giao cấp đất chưa được cấp thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng, giao đất không thu tiền; (2) lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để chia chác đất công, đất rừng phòng hộ với mục đích vụ lợi; (3) bao chiếm đất rừng phòng hộ, đất do Nhà nước quản lý; (4) chuyển nhượng đất trái phép; (5) xây cất nhà trái phép.
Ngay sau khi phát hiện sai phạm, Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo thu hồi toàn bộ các lô đất rừng phòng hộ rộng 744.000 m2 ở khu vực Bãi Vòng, xã Hàm Ninh; 408.000 m2 đất rừng ở khu vực cây số 10, xã Dương Tơ; 38 lô đất cấp cho cán bộ tỉnh, huyện ở ấp Vũng Bầu, xã Cửa Cạn; khu đất Z756 do quân đội quản lý; thu hồi các lô đất thuộc dự án tái định cư khu phố 5 giải quyết sai đối tượng. Riêng khu vực đất quốc phòng tọa lạc ở Bà Kèo, thị trấn Dương Đông đang chờ ý kiến xử lý của Bộ Quốc phòng và Chính phủ. UBND huyện Phú Quốc đã ký trên 1.600 quyết định thu hồi khoảng 9 triệu m2 đất bao chiếm và lấn chiếm. Đến nay đã thu hồi được hơn 8 triệu m2 (đạt 88,3%).
Ban thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo kiểm điểm những tập thể và cá nhân có khuyết điểm, sai phạm. Tỉnh đã xử lý 8 tổ chức cơ sở Đảng (4 khiển trách, 4 cảnh cáo); có 54 cán bộ, đảng viên bị kiểm điểm, trong đó 30 cán bộ đảng viên bị kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách 6, cảnh cáo 14, cách chức 7, khai trừ khỏi Đảng 3 người.
Trong những người trên có 2 ủy viên thường vụ tỉnh ủy (Phạm Long - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kiên Giang và Ngô Thành Phước - nguyên bí thư Huyện ủy Phú Quốc); một ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh (Nguyễn Văn Tân - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang); 7/10 ủy viên thường vụ Huyện ủy Phú Quốc; ba ủy viên ban chấp hành đảng bộ huyện; 15 ủy viên ban chấp hành chi bộ, đảng bộ cơ sở. Do vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, cơ quan công an đã khởi tố bắt tạm giam 11 đối tượng là cán bộ huyện Phú Quốc (trong đó có nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện; nguyên chánh văn phòng UBND huyện; nguyên trưởng phòng và phó phòng địa chính giao thông - xây dựng)...
Tỉnh ủy Kiên Giang thừa nhận để xảy ra trình trạng trên là do đã buông lỏng vai trò quản lý nhà nước. Nhiều nơi tùy tiện giao cấp đất không đúng trình tự thủ tục, vượt thẩm quyền. Một số cán bộ có chức có quyền tự chia chác đất công, đất rừng cho cán bộ trong và ngoài huyện làm cho tình hình càng phức tạp. Đặc biệt, việc xử lý của UBND tỉnh lại chưa nghiêm làm mất hiệu lực quản lý nhà nước.
(Theo Tuổi Trẻ)