Hoán đổi vị trí chủ đầu tư:
Dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng (mới) được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ 11/1997. Nhà máy có công suất 3.300 tấn clinker/ngày, tương đương 1,4 triệu tấn xi măng/năm, công nghệ lò quay theo phương pháp khô, thiết bị hiện đại với tổng vốn đầu tư 208,8 triệu USD. Quyết định đã nêu rõ, chủ đầu tư là Công ty Xi măng Hải Phòng.
Nhưng theo đề nghị của Tổng công ty Xây dựng, Bộ Xây dựng lại ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án trực thuộc Tổng công ty Xi măng VN, mở rộng quy chế hoạt động cho ban quản lý này, đồng thời hạn chế hoạt động của Công ty Xi măng Hải Phòng là chủ đầu tư. Điều này trái với quy định của Chính phủ.
Thực hiện đấu thầu: Trái với quy chế
Gói thầu 1 cung cấp thiết bị chính cho nhà máy xi măng mới phải được đấu thầu quốc tế. Theo kế hoạch, thời gian xét thầu kể từ khi bán hồ sơ mời thầu đến khi ký được hợp đồng với nhà cung cấp chỉ có 200 ngày, nhưng đến tháng 12/2000, thời gian xét thầu đã là 2 năm 6 tháng nhưng vẫn không có kết quả xét thầu được Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do Tổng công ty Xi măng VN mắc một số sai phạm cụ thể:
Đưa ra phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trái với hồ sơ mời thầu mà thực chất là loại bỏ các điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ, gây khó khăn và tùy tiện cho việc xét thầu. Tổng công ty Xi măng và Ban quản lý dự án đã không có quyết định thành lập, không quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đoàn chuyên gia, còn huy động thêm người không thuộc Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Xi măng để tham gia xét thầu, nhưng lại không quy định nguồn kinh phí phục vụ cho việc xét thầu, dẫn đến trùng lắp về nhiệm vụ và chi phí. Chi phí cho "vụ việc" này hết tới 1,04 tỷ đồng, gần gấp 2 lần giá trị hợp đồng mà Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Xi măng đã ký với Ban quản lý dự án về vấn đề này.
Trong bước xét thầu sơ bộ (giai đoạn 1) có 7 nhà thầu tham gia. Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu này đều vi phạm một số điều kiện tiên quyết nhưng Tổng công ty Xi măng lại chỉ loại bỏ 2 hồ sơ dự thầu, tiếp tục xét thầu đối với 5 hồ sơ còn lại mà không báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo. Việc làm này đã vượt thẩm quyền và vi phạm Quy chế đấu thầu.
Quản lý, sử dụng vốn không đúng mục đích
Qua xem xét 7 hợp đồng xây lắp của 7 hạng mục công trình chủ yếu, trị giá trên 73 tỷ đồng cho thấy công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư có nhiều sai phạm: Hầu hết các hạng mục công trình do Ban quản lý dự án đều thực hiện không đúng trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác điều tra khảo sát, thiết kế và giải phóng mặt bằng chuẩn bị điều kiện thi công chưa tốt đã làm cho một số hạng mục công trình phải nhiều lần bổ sung, sửa đổi thiết kế kỹ thuật, thời gian hoàn thành các hạng mục đều chậm so với hợp đồng đã ký .
Đặc biệt công tác quản lý vốn và tài sản chưa chặt chẽ, qua thanh tra đã phát hiện việc đền bù khi giải phóng mặt bằng, thanh toán cho bên B không đúng, sử dụng vốn chưa đúng mục đích với số tiền trị giá trên 1,3 tỷ đồng.
Trong những sai phạm trên đây có trách nhiệm cá nhân của ông Nguyễn Đình Chinh, nguyên Tổng Giám đốc, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xi măng Việt Nam và ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn và phát triển xi măng, đồng thời là trưởng đoàn chuyên gia xét thầu giai đoạn 1.
Ngoài ra còn có trách nhiệm của Bộ Xây dựng Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc chỉ đạo thực hiện gói thầu quốc tế số 1 không đảm bảo trung thực, khách quan.
(Theo Thương Mại, 10/4)