Theo Zhongguancun, khi mua điều hòa nhiệt độ, hầu hết người tiêu dùng đều chú ý tới thương hiệu, công nghệ hoặc giá thành của sản phẩm bởi họ tin rằng đây là các yếu tố chính ảnh hưởng tới chất lượng, sự thuật tiện và thoải mái khi sử dụng. Trong khi đó, rất ít người quan tâm tới khâu lắp đặt.
Trên thực tế, các nhà phân phối hoặc đơn vị bán máy cũng không chịu trách nhiệm cho khâu lắp đặt và thường thuê một bên thứ ba phụ trách. Kết quả là không phải nhân viên lắp đặt nào cũng có đầy đủ kinh nghiệm và sự tận tâm trong công việc, khiến cho thiết bị có thể hoạt động sai cách hoặc nguy hiểm hơn là tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Khi mua hàng ở các siêu thị lớn hay cửa hàng điện máy, vấn đề lắp đặt phụ thuộc vào bên thứ ba và hầu hết linh kiện thiết bị hỗ trợ không trong diện bảo hành mà hầu hết là "hỗ trợ khi có sự cố xảy ra". Bên cạnh đó, trong quá trình lắp đặt hay sửa chữa, thợ điều hòa có thể lợi dụng để đánh tráo loại dây, thay thế phụ kiện kém chất lượng để "ăn" tiền chênh lệch. Đơn giản như việc thay dây diện lõi đồng bằng lõi nhôm có thể giúp đút túi vài trăm nghìn đồng mà rất khó bị phát hiện. Việc sử dụng các khung, lắp chân đế chất lượng kém cũng khiến cục nóng dễ bị rung lắc trong quá trình hoạt động, dễ gây hỏng hóc về lâu dài.
Bên cạnh đó, dây nguồn không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật như loại dây, kích thước, độ dài hoặc bị gấp xoắn, tiếp xúc kém cũng tạo nên nguy cơ chập cháy khi sử dụng. Điều hòa là thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, nên khi hoạt động chỉ cần một vài trục trặc nhỏ về tiếp xúc, đấu nối cũng có thể sinh ra nhiệt và tia lửa điện.
Khi sự cố xảy ra có liên quan tới khâu lắp đặt và phụ kiện, tất cả các vấn đề này sẽ không được hỗ trợ và bảo hành. Bởi quá trình lắp đặt này không được coi là một phần của quá trình mua bán sản phẩm. Nhưng đây lại là bước quan trọng nhất và chỉ khi thiết bị được lắp đặt đúng, phù hợp và ổn định thì toàn bộ quá trình mua điều hòa không khí mới được coi là hoàn tất.
Trong hầu hết các tai nạn cháy nổ liên quan tới điều hòa không khí, nguyên nhân chủ yếu đều do hành vi cẩu thả và bất cẩn trong cài đặt. Nhiều vụ nổ xảy ra ngay trong quá trình bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị.
Các loại gas điều hòa đang được sử dụng phổ biến trên thị trường Việt Nam là R22, R410A và R32. Dù bản chất các loại gas này khó gây cháy, nổ nhưng do nhiều lý do trong đó có bảo vệ môi trường, một số nguồn gas có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc đã được cho thêm các chất dễ cháy vào. Điều này khiến cho cục nóng của điều hòa có thể trở thành một quả bom trong trường hợp có hỏa hoạn, hoặc rò rỉ gas với áp suất cao. Do đó, nếu trong quá trình lắp đặt xảy ra các sự cố như làm nứt hoặc rò rỉ ống dẫn, nguy cơ cháy nổ sẽ là tiềm ẩn.
Phần lớn điều hòa bị nổ thì vấn đề chủ yếu nằm ở giàn nóng. Hai bộ phận dễ gặp trục trặc nhất là phần tụ và máy nén (block). Một phần nguyên nhân do nguồn điện, phần còn lại do hoạt động quá tải trong thời gian dài. Nguy cơ này cao hơn ở các sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về Việt Nam, với sự sai khác về điện áp. Thói quen sử dụng điều hòa cả ngày, quên không tắt... cũng tạo ra các nguy cơ cháy nổ bởi thiết bị hoạt động quá tải, hoặc cục nóng không được che đậy hay lắp đặt ở vị trí thích hợp.
Theo Sina, hôm 15/7 vừa qua tại Bắc Kinh, Trung Quốc, một phóng viên thể thao tên Li Miao, 35 tuổi, đã thiệt mạng tại nhà do bị ngộ độc không khí. Nguyên nhân bắt nguồn từ chiếc điều hòa. Trong quá trình hoạt động, thiết bị gặp trục trặc và một vài linh kiện bị cháy bên trong, dẫn tới việc giải phóng một lượng khí độc gây nghẹt thở cho nạn nhân đang ngủ ở trong phòng.
Tai nạn của Li Miao khiến nhiều người lo lắng và cảnh giác. Hãy tưởng tượng điều đó có thể xảy ra với gia đình bạn trong khi đang sử dụng thiết bị vào ban đêm, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Do đó, việc lắp đặt và bảo dưỡng, sửa chữa cần phải đặc biệt chú ý và nên tìm tới các đơn vị, trung tâm có uy tín và nhiều kinh nghiệm.