
Ảnh minh họa: moneysupermarket.
Thực ra, bạn không cô đơn. Theo một cuộc khảo sát của CreditCards.com, 13% người Mỹ nói rằng họ không bao giờ trả hết các khoản nợ, 8% cho rằng may ra đến khi 71 tuổi mới thoát nợ. Và đây chính là nguyên nhân gốc rễ cho nợ nần kéo dài của họ. Nếu muốn nhanh chóng tự do tài chính, hãy tránh xa những điều dưới đây:
Bạn không biết mình có bao nhiêu nợ
Bạn không nắm rõ những khoản vay lặt vặt người quen không mất lãi, những món đồ mua trả góp, những khoản vay ngân hàng... Bạn chỉ ước lượng số nợ của mình. Chuyên gia tài chính Jeff Rose, người sáng lập của Good Financial Cents cho biết nhiều khách hàng đến gặp anh và họ không hề nắm được họ thực sự đang nợ bao nhiêu. Kết quả, họ không có ý tưởng bao lâu sẽ trả hết nợ và không nhận ra nợ nần đã ngăn cản họ không đạt được các mục tiêu tài chính như thế nào (ví dụ về hưu sớm). Nếu bạn không dành thời gian tìm hiểu bạn nợ nần thế nào, bạn không thể lập một kế hoạch giải quyết nợ nần.
Tốt nhất, hãy lập một danh sách các khoản nợ của bạn và lần lượt chọn ra một món nợ phải kết thúc đầu tiên. Tốt nhất, nên chọn món nợ có lãi suất cao nhất để trả trước.
Bạn chỉ trả số tiền tối thiểu
Bạn vay ngân hàng và bạn chỉ trả số tiền tối thiểu mỗi tháng. Đó là cách để bạn mắc kẹt trong nợ lâu hơn cần thiết. Nếu có điều kiện, bạn nên trả nhiều hơn để rút ngắn thời gian nợ nần và đương nhiên tổng số tiền lãi bạn phải trả sẽ giảm.
Tài sản cầm cố của bạn quá lớn
Bạn mua một ngôi nhà to vì vậy bạn cần kéo dài thời gian vay ngân hàng để mua nó đến mức tối đa. Tại sao bạn không mua một ngôi nhà nhỏ hơn để có thể trả hết nợ trong thời gian ngắn hơn. Sau khi hết nợ, bạn có thể đem tiền đầu tư cho những thứ khác.
Bạn không biết nói "không" với con cái
Leslie H. Tayne, một luật sư chuyên giải quyết các vụ nợ, cho biết nhiều khách hàng của cô kết thúc trong nợ nần vì họ vay tiền để mua sắm những thứ cho con cái mà họ thực sự không đủ khả năng, từ những hoạt động ngoại khóa đến những chương trình học tập đại học. "Cần phải có giới hạn", Tayne nói. "Nếu bạn không đặt ra giới hạn khi nói đến chi tiêu cho con, bạn sẽ gần như chắc chắn kết thúc trong nợ nần".
Điều quan trọng là nên để trẻ sớm biết cái gì được và cái gì không được khi lập ngân sách chi tiêu cho con. Thay vì tiêu những thứ không phù hợp cho con, hãy xây dựng một nền tảng vững chắc để có thể sau này đáp ứng đòi hỏi lớn hơn và đắt đỏ hơn.
Bạn không để dành tiền cho các trường hợp khẩn cấp
Một chi phí y tế lớn, sửa chữa nhà bất ngờ hay mất việc đột ngột có thể là những cú đòn mạnh giáng mạnh vào túi tiền của bất cứ ai. Tuy nhiên, chỉ có 38% những người được khảo sát gần đây của Bankrate.com cho biết họ có đủ tiền mặt để trang trải cho tình huống khẩn cấp. 28% cho rằng sẽ hỏi vay người thân hoặc bạn bè, hoặc sử dụng thẻ tín dụng. Dù thế nào, bạn cũng sẽ chìm trong nợ nần nếu bạn phải đi vay tiền mặt cho những chi phí không lường trước được.
Một quy luật của bạn thường nghe là: Hãy để dành một khoản tiền đủ bạn để trang trải các khoản chi phí thường ngày trong vòng sáu tháng.
Bạn chi tiêu để thưởng cho mình
Nhiều người thường rơi vào bẫy mua hàng khi họ cảm thấy mình xứng đáng hay vì bạn bè của mình đã có những thứ ấy dù họ không có khả năng. Từ đó, họ rơi vào thói quen mua trả góp hay dùng thẻ tín dụng và tự nhủ rằng mình sẽ trả lại sau. Thấy bạn bè có iPhone 6, mình cũng phải có bằng được dù là mua trả góp.
Tự thưởng cho mình khi đạt được một thành tích nào đó cũng được, tuy nhiên hãy dùng tiền mặt để mua những phần thưởng đó, Rose khuyên. Chi tiêu bằng tiền mặt, bạn sẽ có nhiều cảm giác tiếc tiền hơn, bạn sẽ biết được mình có được bao nhiêu tiền nhàn rỗi để làm việc đó, sau khi đã chi trả những chi tiêu quan trọng và cần thiết khác.
Bạn vay nợ với lãi suất cao
Ví dụ, nếu bạn vay 1 tỷ với lãi suất 12% một năm, so với khoản vay lãi suất 9%, thì mỗi năm bạn đã phải trả lãi nhiều hơn 30 triệu. Nếu lãi suất thấp hơn, đương nhiên cùng với một số tiền trả gốc và lãi, bạn đã có thể trả được tiền gốc nhiều hơn.
Hoàng Anh (Theo kiplinger)