Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y học Thể Thao, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc vận động, tập thể dục đối với người trên 60 tuổi rất quan trọng. Bởi từ độ tuổi này, các chuyển hóa, chức năng của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều suy giảm. Đặc biệt, hệ thống cơ xương khớp không còn dẻo dai. Loãng xương, cứng khớp, teo nhão cơ, khiến người già dễ gãy xương nếu té ngã.
Tuy nhiên, người cao tuổi thường yếu mệt, ngại vận động vì "sợ ngã đau". "Sai lầm lớn nhất trong chăm sóc và tự chăm sóc người già là hạn chế vận động, hoặc có vận động nhưng sai cách", bác sĩ Hà nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP HCM cho biết, thay vì chủ động phòng ngừa, người già ở Việt Nam lại thụ động chờ bệnh tật tới. Ông chỉ ra ba sai lầm thường gặp trong vận động ở người già:
Khi bệnh tật, chỉ chú trọng dùng thuốc mà không vận động: Người già trên 65 tuổi rất nhiều bệnh, và trong giai đoạn 8 năm cuối đời thường bị dày vò bởi các cơn đau. Họ coi thuốc là phương thức chữa lành duy nhất mà quên các biện pháp hữu ích khác. Nếu uống thuốc mà chỉ nằm yên một chỗ, nhu động ruột co bóp kém, thuốc không tan hết, làm giảm khả năng hấp thu. Đồng thời, thuốc lưu lại đường tiêu hóa lâu hơn, khiến tăng thời gian tác dụng thuốc, tăng tích lũy và gây độc.
Không vận động còn khiến người già có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, đột quỵ. Lượng thức ăn nạp vào không được chuyển hóa thành năng lượng tích cực mà tích tụ thành mỡ, lắng đọng cholesterol trong máu. Cơ thể lão hóa, hệ nội tiết không còn điều tiết hợp lý, người già dễ kích động, cáu giận. Bên cạnh đó, đàn hồi mạch máu kém, tim đập yếu đi. Tất cả gây nên tình trạng tăng huyết áp bất thường. Huyết áp trên 180mgHg dẫn đến tai biến mạch máu não, nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu.
Vận động ít hơn nhu cầu cơ thể: Cường độ tập luyện thể dục thể thao của người cao tuổi thấp hơn người trẻ. Bởi cả thể trạng và tâm lý muốn nghỉ ngơi sau mấy chục năm làm việc cật lực. Nhưng thực tế, đây chính là thời điểm cần thiết nhất để "cải tạo" cơ thể.
Người già cần tập 30 phút thể thao đều đặn mỗi ngày, với các bài tập phù hợp với thể trạng, mới đủ khiến hệ thống cơ nạc không tiêu biến, săn chắc. Đồng thời kích thích hệ tuần hoàn máu thông suốt, tăng sức chịu đựng của tim mạch, giúp cơ thể "trẻ" lại.
Một trở ngại khác là người già nhanh mệt khi vận động. Họ thường dừng việc tập luyện sớm. Trong khi đó, đây là một biểu hiện tích cực thể hiện cơ thể đang đáp ứng tốt. Tiếp tục tập lại sau một chút nghỉ ngơi, phối hợp nhiều bài tập toàn thân, đủ 30 phút giúp cơ thể quen dần.
Vận động sai cách gây tổn thương: Có nhiều nguy cơ xảy ra với người già khi chơi thể thao, tập thể dục sai cách. Việc tập thể dục quá sớm, hoặc quá khuya, trong thời tiết lạnh khiến mạch máu bị co lại. Cơ thể người già thích ứng chậm với nhiệt độ, nên dễ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Đối với người có bệnh lý tim mạch, tập các môn quá nặng, mạo hiểm như đẩy tạ, đấm bốc, bóng đá, nhảy dù... bào mòn sức khỏe, phản tác dụng hơn là tái tạo.
Khả năng giữ thăng bằng của người già kém, khi chạy nhanh, hoặc đứng lên ngồi xuống đột ngột, máu lưu thông không kịp dễ gây choáng ngã. Ngã ở độ tuổi này thường bị gãy cổ xương đùi, tụ máu ngoài da, hoặc tụ máu não. Loại chấn thương này gây đau đớn, lâu lành, thậm chí tàn tật.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, trước khi tập luyện thể thao, người già nên đi khám sức khỏe để được chuyên gia y tế, chuyên gia y học vận động tư vấn bộ môn phù hợp nhất với tình trạng bệnh tật, cơ địa. Người già lắng nghe cơ thể, thấy nhịp tim hơi nhanh, thở dốc mạnh, hoặc ra mồ hôi đầm đìa thì nên dừng tập, nghỉ ngơi.
Đi bộ, tập thái cực quyền, yoga, đạp xe, chạy chậm, khiêu vũ, tập đứng thăng bằng là các môn thể dục nhẹ bác sĩ Quang khuyên người cao tuổi tập luyện.
"Vận động là cách phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu, tiết kiệm nhất cho người già, giống như tiêm vaccine cho trẻ em. Không bệnh tật, không cần thuốc thang", bác sĩ Quang nói.
Thư Anh