Hà và Dũng quen nhau khi cả hai cùng làm cho một tòa soạn báo, chàng là phóng viên còn nàng là kế toán. Chiều người yêu đồng thời cũng tin tưởng trình độ quản lý tiền của nàng, Dũng đã đưa hết tiền cho Hà giữ. Kết hôn xong, hai người đều chuyển chỗ làm, sang hai công ty khác nhau nhưng lợi thế giữ tiền của chồng từ hồi còn làm kế toán cùng cơ quan thì Hà không thể từ bỏ. Cô thu hết các thẻ lương ATM của chồng, các khoản thưởng lễ, tết vợ cũng nhăm nhe quản hết. Mỗi ngày, Hà chỉ đưa cho Dũng 50 nghìn đồng để ăn trưa, uống nước. Buổi sáng, vợ dậy sớm nấu ăn cho chồng, bữa tối, chàng cũng phải về nhà ăn. Hai vợ chồng đi đâu, mua sắm gì, Hà đều quyết định hết. Thậm chí, nếu hôm nào xe hết xăng, Dũng phải báo cáo với vợ mới được cấp thêm tiền.
Với quan niệm không có tiền trong túi thì Dũng không thể chơi bời ở đâu, Hà tính toán rất chi li, làm sao số tiền cô đưa chồng chỉ đủ tiêu trong ngày. Bản thân cô không phải là người quá tiết kiệm. Dũng thừa biết Hà rất chu đáo với gia đình hai bên nội ngoại, quà cáp, thăm viếng thường xuyên, nhưng đôi lúc anh thấy bực mình vì vợ quản tiền chặt quá. Có lần, xe Dũng bị hỏng trên đường, anh gọi điện bắt vợ mang tiền đến cứu giữa trưa nắng với hy vọng vợ tỉnh ngộ, nới lỏng tay hơn. Tuy nhiên, Hà vẫn một mực thắt chặt hầu bao với chồng.
Chẳng người chồng nào muốn bị vợ quản lý chặt quá. Ảnh: Glamour.
Lan (giáo viên ở Hoàng Mai, Hà Nội) quản chồng theo kiểu quản lý... công nghệ cao. Cô luôn muốn biết Nguyên đang suy nghĩ gì, có liên lạc với ai. Ngày nào, Lan cũng phải kiểm tra tin nhắn, nhật ký điện thoại của chồng xong mới yên tâm đi ngủ. Có hôm, không thấy tin nhắn và cuộc gọi nào trong điện thoại, Lan khóc lóc giận dỗi cả đêm, cho rằng phải có gì mờ ám thì Nguyên mới xóa đi. Rồi các tài khoản YM, Facebook... Nguyên đều phải đưa password cho vợ.
Dù biết chắc Nguyên đang ngồi ở công ty, Lan vẫn liên tục nhắn tin gọi điện kiểm tra khiến Nguyên nhiều khi phát ngại với đám đàn em trong phòng. Có bữa đi ăn trưa mà anh phải tiếp chuyện vợ qua điện thoại đến 4 lần. Một lần, anh đặt điện thoại trên bàn để đi theo tiếng gọi tự nhiên, cô bạn đồng nghiệp nghịch ngợm cầm máy nghe. Sau lần đó, Nguyên phải giải thích mấy ngày, Lan mới làm lành với chồng.
Khi các loại điện thoại thông minh ra đời, Lan nằng nặc đòi Nguyên đổi iPhone cho cả hai vợ chồng để dễ dàng cập nhật địa điểm của nhau, điện thoại luôn phải kích hoạt chức năng định vị.
Huyền (chủ một cửa hàng thời trang ở khu phố cổ Hà Nội) thì lại quản chồng theo kiểu "làm phiền" các đồng nghiệp của Tú. Không chỉ kết thân với mấy anh bạn đồng nghiệp của chồng, cô cũng thường xuyên rủ mấy "chị em dâu" của công ty đi ăn uống,mua sắm để bàn cách giữ chân các ông chồng. Cô liên tục gọi điện vào số máy của những anh bạn đồng nghiệp để dò hỏi về Tú. Thậm chí, Huyền cũng chẳng ngần ngại gọi vào số giám đốc của Tú trong giờ làm việc chỉ để xem ông xã mình có "ngoan" không.
Công ty Tú tổ chức liên hoan, đi du lịch.., dù ở đâu Huyền cũng sẵn sàng bỏ mặc cửa hàng để bám càng. Nếu vì lý do nào đó mà cô không thể đi được, Tú đương nhiên cũng khỏi tham gia cuộc vui chơi đó luôn.
Một quý ông đã lớn tuổi và thành đạt từng chia sẻ, thật sai lầm nếu chị em phụ nữ nghĩ rằng có thể quản được chồng. "Đừng bao giờ có suy nghĩ quản chồng. Khi bạn nghĩ bạn phải quản chồng thì thực sự vợ chồng bạn đang có vấn đề. Bởi vì, nếu muốn, người đàn ông vẫn có rất nhiều cách phá rào. Anh ta đã đủ thông mình để 'lừa' được bạn yêu và kết hôn thì anh ta cũng thừa mưu mẹo để qua mặt được bạn. Chồng bạn đâu phải là một đứa con nít".
Phụ nữ tưởng cứ kè kè bên chồng là có thể kiểm soát được chồng, nhưng thực ra nàng vẫn dễ dàng bị mắc bẫy nếu các ông chồng đã cố tình trốn vợ. Như Huyền, đã bị Tú qua mặt ngay trong chuyến du lịch Đà Nẵng cùng công ty anh. Sau bữa trưa, vợ chồng cô về khách sạn ngủ. Lúc Huyền tỉnh dậy thì Tú đã đi ra ngoài. Huyền lập tức gọi điện cho chồng và mấy anh bạn đồng nghiệp thân thiết thì được thông báo Tú đang đi cắt tóc. Vậy là Huyền yên tâm ngủ tiếp. Hai tiếng sau, Tú trở về với cái đầu húi cua lạ lẫm không phù hợp chút nào với khuôn mặt anh. Tú trong lòng vô cùng tiếc mái tóc cầu kỳ như chàng cầu thủ C. Ronaldo của mình nhưng cũng thầm cảm ơn anh bạn cùng đi massage với mình đã nhanh trí nghĩ ra lý do cắt tóc để anh qua mặt vợ.
Không những thế, biết Huyền hay dò hỏi mấy anh em cùng phòng, nhiều lần Tú nhờ những người này làm bình phong che mất vợ. Có năm, Tú kiếm cớ trưởng phòng sinh nhật đến ba lần để trồn vợ đi chơi.
Còn Dũng sau vài lần bí tiền "đến xấu hổ" với mọi người, anh đã nghĩ cách lập quỹ đen, lên phòng kế toán xin ứng trước tiền mặt để khỏi chảy vào tài khoản ATM vốn đang bị Hà thu giữ.
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Phương, nếu bị vợ quản chặt quá, người đàn ông sẽ cực đoan đến mực chán nản và tìm cách thoát thân ra ngoài. Nguyên sau khi từ bỏ hẳn các tài khoản trên Facebook, dùng mỗi hòm thư điện tử của công ty, sau vài lần phản ứng bằng cách tháo pin điện thoại, về chứng kiến sự hờn dỗi, ghen tuông của Lan cuối cùng không chịu được đã đâm đơn ra tòa.
Bà Phương không đồng tình với cách nhiều phụ nữ Việt Nam lo giữ chồng đến mức đau đầu, khổ sở và có phần hạ thấp mình: "Hãy học tập phụ nữ phương Tây, họ giữ chồng bằng cách nâng tầm bản thân, để từ đó, anh chồng mới là người lo mất vợ. Chị em hãy quan tâm trau dồi tri thức trong cuộc sống xã hội cũng như cuộc sống gia đình, hãy quan tâm chăm sóc hình thức của mình... lúc đó các ông chồng không kè kè bên vợ mới lạ.
Như cánh diều, dây càng dài, bay càng cao. Nếu người vợ quản lý thoáng hơn, người chồng càng có cơ hội phát triển sự nghiệp và tình yêu của hai người có nhiều cơ hội thăng hoa hơn. "Nhưng hãy nhớ, dù sao bạn cũng phải nắm chắc dây diều", bà Phương nói.
Kim Anh