Một độc giả của VnExpress, hiện làm trong ngành giáo dục, chia sẻ quan điểm về vấn đề tôn trọng sự khác biệt của trẻ.
Thế giới của con trẻ là một thế giới đầy sáng tạo và là thế giới của những khám phá, phát hiện mới mỗi ngày. Cũng giống như trong cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh, lũ trẻ thời nào cũng vậy, luôn tìm cách thay đổi những gì đã lặp đi lặp lại quá lâu, hoặc ngó nghiêng khắp nơi để tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, để thể hiện cá tính của bản thân và khiến cuộc sống bớt nhàm chán.
Thế nhưng, rất nhiều thay đổi hay sáng kiến ấy bị người lớn xem là nổi loạn, là khác người và dùng “quyền lực” để ép chúng vào nề nếp mà người lớn đã quen thuộc từ lâu nay.
Hãy xem những ví dụ đơn giản nhất, bao nhiêu người từng phải sửa việc cầm bút, cầm đũa tay trái sang tay phải? Bao nhiêu câu hỏi lúc bé từng đi vào bế tắc, không tìm được đáp án vì người lớn cho rằng câu hỏi ấy thật vớ vẩn? Bao nhiêu thầy cô từng phạt học sinh vì chỉ quay ngược chiếc mũ ra sau hay giải bài toán, viết câu văn theo một cách không như được dạy? Bao nhiêu cha mẹ từng mắng con, đánh con vì điểm số của con thua bạn bè?
Phải chăng vì xã hội Việt Nam nói chung đang quá coi trọng thành tích, điểm số; và cha mẹ cũng bị cuốn theo vòng quay ấy, muốn con đạt được kỳ vọng của mình nên đã vô tình áp đặt con đi theo con đường cha mẹ định sẵn. Thế nhưng, thông minh có phải chỉ thể hiện qua điểm số? Thành công có hoàn toàn dựa vào thành tích? Và điểm cao, thành tích tốt có giúp con hạnh phúc?
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, hãy tìm hiểu một chút về khoa học. Theo nghiên cứu, con người có tận 9 loại trí thông minh:
1. Trí thông minh về không gian: Dễ dàng hình dung, mô tả cảnh quan, tưởng tượng thế giới theo chiều không gian 3D.
2. Trí thông minh tự nhiên: Nhanh chóng hiểu được cơ chế của sự sống, sinh vật và các hiện tượng thiên nhiên.
3. Trí thông minh âm nhạc: Khả năng thẩm âm tốt, nhạy cảm với nhịp điệu và âm thanh.
4. Trí thông minh logic - Toán học: Nhanh nhạy với số liệu, khả năng suy luận tốt, tổng hợp thông tin thành các giả thiết và có khả năng chứng minh chúng.
5. Trí thông minh triết học: Thường có những đắn đo, suy ngẫm về các vấn đề mang tính triết học như các câu hỏi: "Ý nghĩa của cuộc đời là gì?".
6. Trí thông minh cảm xúc: Có khả năng thấu cảm, nhận biết cảm xúc của người khác và nhanh chóng hiểu ý nghĩ của họ.
7. Trí thông minh vận động: Khả năng điều khiển vận động của cơ thể, thể hiện sự khéo léo trong các hoạt động thể chất.
8. Trí thông minh ngôn ngữ: Khả năng dùng từ ngữ để biểu đạt tốt, dễ dàng viết văn hoặc phát biểu ý kiến.
9. Trí thông minh nội tâm: Hiểu rõ bản thân, làm chủ cảm nhận về bản thân cũng như luôn xác định được điều mình muốn.
Người viết từng đi tham dự một hội thảo về giáo dục và ở đó, diễn giả Nguyễn Chí Hiếu (Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IEG) chia sẻ một quan niệm rằng, đích đến thực sự không phải những thành công trước mắt mà là chân trời rộng mở ngày con ra biển lớn, có thể là ngày con bước chân vào đại học - ngưỡng cửa đầu tiên trong cuộc đời.
Hãy thử một lần gặp gỡ và trò chuyện với sinh viên của các trường đại học hàng đầu trên thế giới về yêu cầu ở một bộ hồ sơ đại học, đó không phải là thành tích hay điểm số, mà ở đó, những nhà tuyển sinh mong muốn tìm những cá nhân có cá tính, có lý tưởng riêng, có giá trị riêng. Những sinh viên năm nhất này được yêu cầu phải tìm được đáp án cho câu hỏi “Who am I?” (Tôi là ai?). Nếu cứ đi theo cách dạy cũ, cha mẹ có tự tin rằng sau 12 năm học, con có đủ kiến thức, kỹ năng và tư duy để trả lời được câu hỏi ấy?
Hãy tin rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và việc gò ép con đi theo con đường của người khác không có nghĩa con cũng sẽ có được thành công giống hình mẫu cha mẹ đang theo đuổi. Cha mẹ, với vai trò là người đồng hành, cần xác định được khả năng và điểm mạnh của con, cần hiểu và tôn trọng điều ấy, để có những phương pháp định hướng phù hợp và cho con môi trường tốt nhất để phát huy tối đa thế mạnh của mình. Khi ấy, con sẽ được sống là chính con, có những mục tiêu và thành công riêng, không bị hòa tan giữa đám đông những “bản sao” đang tồn tại trong xã hội.