Cuối tháng 7, video quan chức tỉnh Giang Tây đi vào những ngôi làng ở thành phố Cám Châu, Cát An và Nghi Xuân, mang hàng nghìn quan tài ra khỏi nhà dân tới điểm tập kết và đập vỡ bằng máy xúc được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người lớn tuổi cố gắng ngăn họ bằng cách nằm vào bên trong những chiến quan tài gỗ đang bị kéo đi, theo SCMP.
Từ khi chính sách "không mai táng" ban hành, việc sở hữu và sản xuất quan tài bị cấm. Mỗi người dân được trả 2.000 tệ (290 USD) cho mỗi chiếc nộp cho chính quyền. Ai không tự nguyện sẽ bị cưỡng chế.
Ở nông thôn Trung Quốc, người dân có truyền thống lâu đời là đóng quan tài, sau đó cất giữ tại nhà với hy vọng mang đến cho họ tuổi thọ và may mắn. Những người nghèo phải mất nhiều năm để tiết kiệm được 5.000 tệ (730 USD) hoặc nhiều hơn để đóng chiếc hòm gỗ đề phòng khi nằm xuống, vì vậy người dân cho rằng xét từ góc độ tài chính, 2.000 tệ bồi thường là không công bằng. Cách hành xử cưỡng ép của chính quyền Giang Tây cũng bị nhiều cơ quan báo chí Trung Quốc và người dân phản đối.
Trong bài viết trên báo Hong Kong SCMP Christy Lam cho rằng hỏa táng chỉ phổ biến ở một số quốc gia, chứ không phải tập tục ở vùng nông thôn Trung Quốc. Do đó, cô không ủng hộ cách hành xử của chính quyền các vùng nông thôn tỉnh Giang Tây.
Theo cô, chính quyền nên tôn trọng ý nguyện của người dân và cách họ lựa chọn nghi thức tiễn biệt người chết. Mục đích của chính quyền là thay đổi tập tục sang hình thức khác thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên đất, nhưng họ đã đi quá giới hạn và khiến dân làng tức giận.
"Thay đổi cần thời gian, đó là một quá trình dài. Ngoài ra, trong quá trình thực thi, các cán bộ địa phương cũng cần xử lý linh hoạt để giảm xung đột với người dân. Thay vì sử dụng vũ lực, họ nên kiên nhẫn tuyên truyền, giáo dục người dân để thay đổi", theo Christy Lam.