Thứ năm, 2/1/2025
Thứ bảy, 3/12/2016, 00:01 (GMT+7)

Sài Gòn từ thời thành Bát Quái đến 1975 qua bản đồ

Những tấm bản đồ vẽ Sài Gòn từ khi mới hình thành cho đến trước năm 1975 được nhóm bạn trẻ dày công sưu tập, triển lãm cho người xem hiểu hơn về sự hình thành, phát triển của một vùng đất.

Từ ngày 1 đến 4/12, tại số 57D Tú Xương (Quận 3, TP HCM), nhóm bạn trẻ Sài Gòn Vi Vu tổ chức triển lãm những tấm bản đồ về vẽ thành phố Sài Gòn từ khi hình thành đến trước năm 1975.

Có tất cả 17 tấm bản đồ Sài Gòn được triển lãm. Mỗi tấm đều được phóng to với kích cỡ 80x60 cm để người coi dễ dàng hình dung.

Bạn Đỗ Viết Tuấn (25 tuổi), Trưởng dự án cho biết: "Nhóm mình phải chuẩn bị mất 3 tháng để tìm kiếm những tấm bản đồ này rồi scan, làm lại nội dung, viết chú thích..."

Tấm bản đồ Sài Gòn xưa nhất mà nhóm tìm kiếm được là bản đồ năm 1815 do ông Trần Văn Học vẽ. Lúc này thành Bát Quái vẫn tồn tại. Bản đồ này cho thấy không gian đô thị có hai hạt nhân quan trọng là vùng quận 1 hiện nay và vùng Chợ Lớn. Hai vùng được nối với nhau bằng con rạch Bến Nghé huyết mạch, là con đường lúa gạo từ các tỉnh miền Tây đến cảng Sài Gòn.

Tấm bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1960, lúc này người Pháp đã rời khỏi thành phố. Khi ấy, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đổi hết tên đường sang tiếng Việt. Thành phố khi ấy chỉ gói gọn trong các quận 1, 2, 3, 4. Trong đó, quận 2 nằm giữa quận 1 và quận 5 ngày nay; trong khi quận 3 rất rộng, bao gồm cả khu Hòa Hưng, Chí Hòa.

Bản đồ năm 1920, lúc này người Pháp đã quy hoạch thành phố bên bờ sông Sài Gòn, với trung tâm chủ yếu là khu vực quận 1 ngày nay. Lúc này một vài con đường lớn như Catinat (hiện là đường Đồng Khởi), Bonnard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), De la Somme (Hàm Nghi), Norodom (Lê Duẩn), chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, dinh Norodom... đã hình thành.

Tấm bản đồ mới nhất trong triển lãm là Sài Gòn và các vùng phụ cận năm 1973. Khi ấy, vùng Thủ Thiêm là quận 9, còn quận 7 ở khu vực Bình Tân, quận 6 ngày nay. Cả thành phố có 11 quận, các vùng Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình... thuộc địa phận tỉnh Gia Định.

Triển lãm thu hút nhiều người lớn tuổi đến tham quan. Ông Nguyễn Quý Trọng (69 tuổi, quận Gò Vấp) chăm chú xem lại bản đồ với bà Nguyễn Khánh Thục (định cư Canada), là bạn cùng trường trung học ngày xưa. "Chúng tôi nhìn bản đồ, xem tên đường và vẫn nhớ rõ ngày xưa mình hay đi qua đâu, ăn uống, vui chơi nơi nào", ông Trọng bồi hồi.

Triển lãm còn thu hút nhiều bạn trẻ, người nước ngoài. "Mình thấy thú vị nhất khi biết những con đường mình hay đi hóa ra ngày xưa nó tên khác", bạn Nguyễn Huy Minh (17 tuổi, Trung tâm giáo dục thường xuyên Tân Bình) chia sẻ.

Ngoài bản đồ, nhóm bạn còn dành một không gian trưng bày những đồ dùng quen thuộc một thời gắn bó với người Sài Gòn như: chiếc bàn, tủ, đài radio, điện thoại... "Chúng tôi đã nhờ những bậc cao niên tư vấn cách bài trí, sắp xếp sao cho đúng kiểu ngày xưa", Viết Tuấn nói.

Chiếc máy đánh chữ hiệu Olympia xuất hiện từ thập niên 50, rất phổ biến với viên chức thành phố trước năm 1975.

Những vật dụng khác như tivi, xe cub 50, bộ bài, tấm phản... đều được nhóm sưu tập, bài trí để phản ánh nếp sinh hoạt một thời đã qua của người Sài Gòn.

Quỳnh Trần