Đây là ý tưởng do một công ty chuyên kinh doanh tàu khách du lịch ấp ủ, nghiên cứu và mong muốn được đầu tư thực hiện dự án với sự hỗ trợ của thành phố về các trạm, bến tàu.
Khu đường sông TP HCM cũng từng kiến nghị thành phố xem xét đến dự án này, phát triển tốt hệ thống đường thủy nội địa. Hiện TP HCM có đến 87 tuyến sông cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Các tuyến đường sông do thành phố quản lý có 574 km. Trung ương quản 252 km các tuyến sông lớn, ngoài ra còn có gần 147 km đường biển. Tuy nhiên, nhiều năm qua những tuyến đường này đã không được tận dụng tốt trong quy hoạch giao thông.
Vận tải hành khách trên tuyến giao thông thủy tại TP HCM còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác hiệu quả. Ảnh: Kiên Cường. |
Khảo sát của Khu đường sông, hiện nay hệ thống vận tải đường thủy tại Sài Gòn chủ yếu chuyên chở hàng hóa và một số ít bến đò ngang đưa khách sang sông. Việc đưa đón hành khách công cộng bằng đường thủy còn đang bỏ trống trong khi đường bộ lại kẹt xe, ùn tắc triền miên. Đây là sự lãng phí rất lớn. Nếu hệ thống kênh rạch, sông ngòi của thành phố được tổ chức tốt mô hình vận tải thủy thì có thể chia sẻ áp lực ùn ứ, kẹt xe, ô nhiễm đang ngày một đè nặng lên tuyến giao thông bộ.
Lấy mô hình giao thông thủy tại Thái Lan làm dẫn chứng, đại diện Khu đường sông TP HCM cho hay, vận tải hành khách trên sông có thể tiết kiệm đến 40% thời gian so với trục giao thông bộ và không bị tắc đường.
Trao đổi với VnExpress.net về mô hình tàu buýt tương lai, Phó giám đốc Khu đường sông TP HCM Phan Hoàng Trí cho biết: "Tiềm năng phát triển dự án tuy rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ".
Theo ông Trí, trước khi thực hiện mô hình vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy cần có kế hoạch khảo sát cụ thể, tỉ mỉ. Ngoài tiềm năng còn bỏ ngỏ của gần 1.000 km đường thủy còn có 3 thách thức rất lớn cần sự đồng thuận và hợp tác của thành phố, các sở ban ngành, doanh nghiệp và ý thức người dân.
Thách thức thứ nhất, theo ông Trí là cơ sở hạ tầng cho mạng lưới giao thông đường thủy còn kém, thiếu hệ thống bến tàu kết nối đường bộ. 27 trên tổng số 87 tuyến đường sông có độ tĩnh không của cầu (độ cao từ mặt nước lên đến mặt dưới cầu) không đạt tiêu chuẩn theo luồng quy định.
Ông Trí giải thích, nếu một tuyến sông chỉ cần có một cầu không đạt tĩnh không thì xem như thất bại vì tàu thuyền vẫn bị kẹt lại. Ví dụ, tuyến Giồng ông Tố - Rạch Chiếc, hiện phương tiện lưu thông trên sông này rất hạn chế vì cầu Giồng ông Tố có độ tĩnh không chỉ 1,8 m, kém xa so với yêu cầu phải đạt là 6m.
Mô hình tàu buýt tại Thái Lan được nhiều người dân bản xứ sử dụng. Ảnh: K.D.S. |
Thứ hai, tình hình sạt lở bờ sông và tác động của chế độ thủy triều có biên độ khá lớn khoảng 0,3 m cũng là một trở ngại. Việc sạt lở có thể xây bờ kè kiên cố để khắc phục. Tuy nhiên, độ lên xuống của thủy triều thực tế có sự chênh lệch rất lớn, diễn ra ngày hai lần (còn gọi là bán nhật triều) đòi hỏi phải nghiên cứu đo đạc thật kỹ lưỡng mới đảm bảo xây dựng hệ thống bến bãi phù hợp.
Thứ ba, hiện TP HCM chưa có kinh nghiệm phát triển giao thông thủy: tổ chức tuyến, mô hình, phương tiện thủy, hệ thống đón trả khách trên sông đều không có. Người dân thành phố chưa quen sử dụng giao thông thủy.
Khu Đường sông đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP HCM cần có kế hoạch song song cải tạo nạo vét luồng, đồng thời nâng cấp các cầu có tĩnh không thấp để không làm hạn chế giao thông thủy.
Riêng Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền Nam Lê Mạnh Hùng nhận định, phát triển vận tải hành khách đường thủy tại TP HCM là một hướng đi tốt, khả thi, cần được quan tâm phát triển trong thời điểm kẹt xe. Chuyên gia này cũng dự báo, phát triển vận tải hành khách đường thủy có thể sẽ mở ra tiềm năng du lịch sông nước để ngắm cảnh quan Sài Gòn từ góc nhìn mới.
Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn rằng, người Sài Gòn còn xa lạ với việc đi lại bằng đường thủy là trở ngại rất khó khắc phục. Thói quen đưa tận nơi, đón tận chỗ sẽ cản trở người dân dùng tàu buýt. Bởi lẽ, thời tiết oi bức, vỉa hè teo tóp, thiếu bóng râm, ít cây xanh, khi rời tàu phải đi bộ đến các trạm giao thông trên đất liền rồi mới đến đích.
"Những chướng ngại vật vô hình từ tập tính, thói quen này rất khó loại bỏ, cần phải có thời gian khá dài và dày công để thay đổi", ông nói.
Trung Tín - Kiên Cường