Ngày 2/11, trong cuộc họp khẩn của UBND TP HCM với 24 quận huyện và các sở ngành về phương án ứng phó bão số Damrey (bão số 12), Thạc sĩ Lê Đình Quyết (Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết, bão vào Nam Bộ với cường độ trung bình. Không khí lạnh mạnh, sẽ làm cong đường đi ban đầu của bão và chếch xuống phía Nam.
Với tốc độ di chuyển rất nhanh - khoảng 20km/h, bão sẽ đổ bộ vào đất liền khoảng ngày 4/11; từ Trung Trung Bộ tới Nam Trung Bộ và gây mưa nhiều cho khu vực này. Lượng mưa 500-700 mm, có nơi gần 1.000 mm cho cả đợt.
"Khả năng ảnh hưởng của bão ở các tỉnh Đông Nam bộ và TP HCM ở mức độ thấp nhưng không phải là không có. Khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới lần này dự báo từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận", ông Quyết nhận định.
Theo đó, từ ngày 3/11, vùng ven biển TP HCM và Vũng Tàu có gió mạnh 10 m/s. Mưa to chủ yếu tập trung các tỉnh Nam Trung bộ, tại miền Đông Nam bộ, riêng TP HCM mưa ít.
"Điều lo lắng là hệ thống sông Sài Gòn đang có đợt triều cường lớn, đỉnh triều cao nhất ngày 5/11 là 1,63 m; ngày 6/11 là 1,67 m và 1,68 m", ông Quyết nói. Sài Gòn sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng bão những ngày này, kết hợp với triều cường chắc chắn sẽ ngập nặng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung cho biết, mực nước hồ Dầu Tiếng đạt cao trình 23,66 m sáng 1/11 nhưng đã ngưng xả về hạ du do có đợt triều cường lớn.
Thành phố có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay về bờ tránh áp thấp nhiệt đới. Hiện còn 9 chiếc hoạt động ngoài khơi, đang di chuyển gần nhà giàn DK1, di chuyển về Bến Tre, đảo Thổ Chu (Kiên Giang) và Cần Giờ (TP HCM) để tránh bão.
"Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của cơn bão, tùy thuộc tình hình sẽ phát lệnh cấm ra biển theo chỉ đạo của thành phố trong giai đoạn nguy hiểm", ông Trung nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết đã chuẩn bị sẵn phương án di dời hơn 6.000 người ở Cần Giờ nếu có bão, áp thấp đổ bộ, chằng chống hàng trăm căn nhà. Kế hoạch di dời, đảm bảo an toàn tàu thuyền đã được chuẩn bị chờ lệnh của thành phố.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm nói rằng, phòng chống lụt bão là câu chuyện thường xuyên nên không thể chủ quan và lơ là.
"Các đơn vị phải theo dõi sát các thông báo về cơn bão để kịp thời ứng phó với nó. TP HCM có 10 triệu dân, nếu bão đổ bộ vào thì thiệt hại rất nghiêm trọng", ông Liêm nhắc nhở.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 13h ngày 2/11, tâm bão Damrey cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 800 km về phía Đông với gió mạnh nhất 90km/h (cấp 8-9), giật cấp 11.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây và tiếp tục mạnh lên. Đến 13h ngày 3/11, tâm bão còn cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 300 km về phía Đông. Gió tăng lên cấp 10-11 (90-115 km/h), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội.
Cơn bão được dự báo đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ với gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 và yếu dần.
Đến 13h ngày 4/11, tâm bão trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 12. Sau đó, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu.
Từ chiều và đêm 3/11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12 nên ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Mưa lớn có thể kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
UBND TP HCM vừa có lệnh khẩn yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi. Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải và UBND các quận huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực từ 1h ngày 3/11 cho đến khi có lệnh mới. |
Trung Sơn