Nhà hàng của anh Phạm Minh Hiền ở quận Gò Vấp đã mở cửa bán trở lại từ hôm 1/10 nhưng ông chủ phải đích thân vào bếp. "Đầu bếp và người làm về quê hết rồi. Từ hôm hết giãn cách, tôi đã gọi điện cho họ nhưng chưa ai có ý định trở lại", anh Hiền, 34 tuổi, nói.
Để duy trì hoạt động, anh đành tuyển 6 nhân viên mới với mức lương cao hơn trước dịch và phải lo toàn bộ chi phí "ba tại chỗ". Cứ năm ngày một lần, Hiền tốn hai triệu đồng để test Covid-19 cho tất cả nhân viên.
Nhưng bán được là anh còn chút may mắn. Đào An, 30 tuổi, vừa hoàn thành sửa sang quán cà phê mới ở quận 3 nhưng chưa thể hoạt động, kể cả bán mang đi. "Xong xuôi mọi thứ, chỉ thiếu nhân viên pha chế và phục vụ thôi", An cho biết. Chàng trai từng điều hành một quán cà phê tại Hà Nội, nhiều kinh nghiệm tuyển nhân viên, vẫn "bó tay" trong thời điểm này.
"Mọi người đi đâu hết rồi ấy, đăng tuyển mãi không ai liên hệ", anh cho biết.
Quán của Phạm Minh Hiền và Đào An là hai trong số hàng chục nghìn cơ sở ăn uống ở Sài Gòn phải dừng phục vụ tại chỗ từ ngày 27/5. Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, doanh thu ăn uống ở thành phố 8 tháng qua giảm 20% so với cùng kỳ. Kinh doanh sụt giảm, hàng loạt doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, nhà hàng phải đóng cửa, trả mặt bằng, thu hẹp kinh doanh.
Dù may mắn trụ lại được sau dịch nhưng những ông chủ như Hiền và An phải đối mặt với một khó khăn mới là khó tìm được nhân viên.
Các đợt giãn cách xã hội liên tiếp do dịch bệnh, đẩy hàng triệu người lao động ngoại tỉnh đến quyết định về quê từ tháng 7. Theo Tổng cục Thống kê, tính từ tháng 7 đến 15/9, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, trong đó có gần 300.000 người từ TP HCM, để lại một lỗ hổng lớn trong đời sống kinh tế, xã hội.
Ngành kinh doanh ăn uống cần lao động có kỹ năng và tay nghề, nhưng ngay cả những nơi chỉ cần lao động phổ thông như đại lý vé số cũng chưa thể hoạt động bình thường khi đội quân bán dạo hầu hết đã về quê.
Chị Bích Chi, 40 tuổi, chủ một đại lý ở TP Thủ Đức cho biết trước khi có dịch, chị có khoảng hơn chục mối quen đi bán dạo. Từ 22/10 đến nay, chỉ có hai người có hộ khẩu thành phố, đến lấy vé đi bán.
Lượng vé số bán ra của chị Chi phụ thuộc hơn một nửa vào người bán dạo ngoại tỉnh. Thiếu người bán lẻ nên gần một tuần nay mỗi ngày chị Chi chỉ bán được vài trăm tờ cho những khách quen. "Hầu hết các mối quen đang ở quê đều cho biết sau Tết mới trở lại thành phố", chị cho biết.
Ông Nguyễn Văn Lực, 57 tuổi, một người bán dạo của chị Chi đã về Phú Yên từ cuối tháng 7. Ông cho biết, chưa có ý định trở lại thành phố dù chủ đại lý liên tục gọi điện giục. "Tôi mới được tiêm một mũi vaccine nên không dám đi. Con cháu khuyên ở quê đừng vào Sài Gòn nữa", ông Lực nói.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh "nhớ" lao động ngoại tỉnh, nhiều hộ gia đình ở thành phố cũng lâm cảnh khó khăn khi không thể tìm được người giúp việc.
"Một tháng qua, chuyện đau đầu nhất là tìm người phụ nấu ăn, dọn dẹp, vì mình thường đi làm về muộn", chị Lê Ngọc, 29 tuổi, ở đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh nói trong khi khệ nệ xách túi to, túi nhỏ sau buổi đi chợ về. Từ khi cô giúp việc về quê tránh dịch hồi giữa tháng 7, Ngọc phải tập làm quen với công việc bếp núc.
"Trước đây, cô giúp việc cũ đến làm từ 5h chiều, nấu ăn, dọn dẹp xong thì về. Mỗi tháng mình trả 4 triệu", Ngọc kể. Người giúp việc của Ngọc quê ở Long An, hứa sẽ sớm lên thành phố nhưng bị con cái cản vì lo lắng khi dịch vẫn còn.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương bình và Xã hội cho biết, riêng về nhu cầu tuyển mới, từ đây đến cuối năm thành phố có 60.000 vị trí làm việc chờ người lao động.
Trước thực trạng thiếu lao động và nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian sắp tới, chính quyền và doanh nghiệp ở TP HCM đang thực hiện nhiều chính sách để hỗ trợ người lao động khi họ quay lại.
Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM cho biết, người lao động khó khăn chỗ ở sẽ được trung tâm giới thiệu đến các nhà trọ tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức để ở miễn phí ít nhất tháng đầu tiên.
Trung tâm cũng hỗ trợ test nhanh miễn phí tại địa chỉ 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp nếu doanh nghiệp yêu cầu có kết quả âm tính trong ngày phỏng vấn hoặc nhận việc. Thông qua trung tâm, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 vị trí, nên người thất nghiệp sẽ được giới thiệu việc làm ngay.
Gần một tháng qua, Ngọc liên tục đăng tin tìm giúp việc trên các hội nhóm chung cư, hoặc nhóm tìm việc làm tại TP HCM. Cô nhận một số cuộc điện thoại liên hệ, nhưng đa số đều mong muốn được làm cố định, bao ăn ở, mức lương trên 6 triệu. "Nếu chưa thuê được, mình sẽ phải cố sắp xếp công việc trên cơ quan", Ngọc chia sẻ.
Với Đào An, anh đã đăng tin tuyển dụng trong các nhóm học nghề, nhóm pha chế với yêu cầu "nhẹ" hơn các quán cà phê khác, nhưng vẫn "đứng ngồi không yên". "Nếu tìm được người phù hợp mà chỉ mới tiêm một mũi tôi cũng nhận ngay", anh cho biết, thay vì tìm người tiêm đủ vaccine hoặc F0 khỏi bệnh.
Anh Hiền cũng đăng tin tuyển đầu bếp với mức lương cao hơn lúc trước dịch và thời gian làm việc ít hơn suốt một tháng nay.
"Được mở bán lại là cơ hội sống còn để vực dậy sau bốn tháng đóng cửa. Với tình hình thiếu người làm và chi phí phát sinh lớn thế này trong khi doanh thu chỉ bằng 1/3 so với trước dịch, tôi e là mình sẽ không thể trụ được lâu hơn", anh thở dài.
Diệp Phan - Hoàng Hà