Tôi yêu từng lối nhỏ tôi đi qua trên những con đường mang tên ký ức tại Sài Gòn. Nơi tôi đến trường, nơi những hàng quán mà tôi đã dừng chân. |
Sáng nay ngủ dậy, tay chân và đầu óc của tôi rã rời sau chuỗi ngày dài làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày và đêm. Mở trang báo mạng ra và thấy hàng loạt tin về bão, mà bão không ở đâu xa mà chính tại Sài Gòn nơi mà tưởng như miễn nhiễm với những thiên tai như thế. Cây đổ, cột điện đổ, mái nhà bay...những cảnh tượng mà hai mươi mấy năm sống tại Sài Gòn tôi chưa từng thấy.
Trong những khuôn hình ngổn ngang ấy, lòng tôi chợt dâng tràn một cảm xúc bộn bề, sự quặn thắt như một điều gì đó thuộc về mình bị tổn thương, bị đánh mất. Tôi biết đó là tình yêu Sài Gòn, tình yêu quê hương thuộc về máu thịt mà cho dù có đi đến tận chân trời góc bể vẫn không thay thế được.
Đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của nhiều thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên tại Việt Nam và định cư tại một quốc gia khác. Người ta có thể yêu một lúc nhiều quốc gia khác nhau, xem nhiều nơi trên thế giới là nhà và tình yêu họ dành cho nơi họ sinh ra, lớn lên là một điều gì đó rất thiêng liêng.
Sài Gòn chính là cái góc nhỏ đó trong tâm hồn tôi, nơi tôi yêu thương, tự hào và trân trọng cho dù giờ đây khi trở về tôi chỉ là khách chứ không còn là điểm dừng chân của ngày dài tháng rộng nữa rồi.
Tôi luôn muốn viết về những chuyến trở về của kỷ niệm những ngày còn bé, những năm tháng trở về và cả chuỗi ngày dài của ký ức. Thế nhưng cảm xúc quá bộn bề nên tôi muốn có thời gian sắp xếp nó lại và kể về nó dưới góc nhìn công bằng nhất.
Tôi yêu Sài Gòn và tình yêu đó dường như là vô điều kiện. Tôi trở về với con hẻm nhỏ, nơi những bước chân chập chững của những bước chạy đầu tiên nối tiếp cho những bước nhảy sang một thế giới rộng lớn hơn, văn minh và tiện nghi hơn.
Những bước chân ngày ấy đã sải bước rất nhanh trên những đại lộ xa hoa bậc nhất của thế giới, những công trình kiến trúc khiến người ta phải choáng ngợp, những chiếc tàu chiến khổng lồ đặc trưng cho sức mạnh quân sự của cường quốc.
Thế nhưng, bước chân của sự trở về ấy lại như chững lại, bồi hồi với những ngày tháng cũ....nơi mà đầu hẻm có chú A, chú B, nơi cuối hẻm có cô C, cô D, nơi mà những cái gật đầu, những lời chào nối tiếp theo từng bước chân tôi bước.
Tại nơi đó, nó không ồn ào, xô bồ như đại lộ danh vọng mà tôi bước qua nhanh tại Hollywood mà chính là đại lộ của kỷ niệm, của tuổi thơ của hàng triệu triệu bước chân tôi bước qua trong hai mươi mấy năm qua...Nơi của những vòng quay xe đạp cho đến xe máy để đến trường, nơi bạn bè gặp gỡ, nơi của những lần đón đưa, những buổi hẹn hò, của những tất bật...của những năm tháng tuổi thơ tôi.
Trong gần năm năm qua cuộc sống tôi đã có quá nhiều thay đổi. Từ độc thân thành người có gia đình, từ ở Sài Gòn chuyển sang định cư ở Mỹ, từ người làm công việc văn phòng chuyển sang làm nghệ thuật. Cuộc sống mới mang đến rất nhiều cơ hội, những thử thách và cả những trải nghiệm vô cùng quý giá.
Tôi chạy đua cùng công việc, tôi đối mặt với thử thách và điều đó khiến cho tôi quên đi mất việc mình đang đi cùng với những thay đổi, với môi trường hoàn toàn mới. Tôi cũng như những bạn trẻ khác đang cố gắng vươn lên để chạm đến giấc mơ của mình. Nước Mỹ dạy tôi vể đức tính tự lập, về lòng kiên nhẫn và cả cái quyết tâm sống tốt và có ích hơn từng ngày.
Tôi trở về và ngạc nhiên với việc bà A. vẫn bán chè đầu hẻm, chú B. vẫn với quầy thuốc lá cùng vài hộp kẹo bên đường, bác C. vẫn bán rau quả ngoài chợ, chú D. vẫn chạy xe ôm...
Tôi ngạc nhiên rồi tôi nhận ra rằng vì cuộc sống tôi thay đổi quá nhiều nên dường như mọi thứ đều phải dịch chuyển theo trong khi mọi thứ vẫn ở nguyên hiện trạng cũ. Họ vẫn miệt mài kiếm sống, vẫn tiếp tục cuộc sống của riêng họ cho dù trong tâm tưởng của tôi luôn mong muốn một cuộc sống đỡ tất bật hơn cho họ.
Mỗi lần về, tôi nhìn thấy tôi của ngày hôm qua và cả chính tôi của hiện tại, của những thay đổi trong suy nghĩ lẫn cách nhìn về cuộc sống. Tôi vui và tự hào khi thấy sự cố gắng cũng như lối nhìn tích cực hơn về mọi thứ xung quanh.
Tôi yêu từng lối nhỏ tôi đi qua trên những con đường mang tên ký ức tại Sài Gòn. Nơi tôi đến trường, nơi những hàng quán mà tôi đã dừng chân. Tôi kể lể về người cũ việc cũ. Thế nhưng nếu mọi thứ di dời và thay đổi, liệu tôi có thấy vui khi những gương mặt và những ký ức cũ ấy bỗng biến mất khi tôi trở về?
Tôi buồn khi cô bán trứng vịt lộn gần nhà bỗng chuyển sang bán nước mía ở một nơi khác. Tôi buồn khi một người mới thay thế ngay gần cái góc nhỏ ấy, nơi tôi ngồi vào bỗng thấy xa lạ. Có lẽ đó chỉ là sự ích kỷ của riêng tôi mà thôi vì biết đâu rằng công việc mới ấy sẽ cho cô ấy thêm thu nhập?
Có ai đó bảo với tôi rằng tại sao không chụp những góc lộng lẫy, xa hoa của Sài Gòn mà lại chọn những góc lộn xộn của Sài Gòn để chụp, để có thể gây hiểu lầm với người ngoại quốc, và hiện tại nó không phải vậy...không là như thế?.
Khi bạn viết những dòng đó cho tôi, tôi biết bạn cũng yêu Sài Gòn không kém gì tôi và tôi tự hào vì điều đó. Sài Gòn là nơi không có thể thay thế được trong trái tim tôi.
Hành trình của một người trẻ tuổi nơi tôi đi sang nửa bên kia của thế giới để định cư và lập nghiệp. Nơi mà bước chân tôi đã chạm qua gần một nửa số bang của nước Mỹ, nơi mà hàng loạt tòa nhà chọc trời mọc san sát nhau, nơi mà hàng loạt làn đường nối đuôi nhau bởi cùng một phương tiện.
Nơi mà ánh đèn xanh đỏ le lói xen lẫn nhau khiến cả thành phố như không ngủ giữa đêm khuya....nơi mà mọi thứ như tuân theo một quy củ, được quy hoạch, cắt cúp rất rõ ràng.
Càng đi nhiều, nó chỉ làm tôi nhớ thêm những khu chợ chồm hổm nơi mà bà và mẹ vẫn có thói quen tạt ngang để mua một bó rau, một con cá trước những bữa ăn. Tôi nhớ những gánh hàng rong đi dọc ngang thành phố, những tiếng rao giữa ban ngày, những xe đẩy ngập tràn trái cây. Tôi nhớ một đời sống chuyển động, nơi mà mỗi con người bạn có nhận biết ra ngay nghề nghiệp của họ ngay trên phố.
Người nghệ sĩ hay cả người ngoại quốc đến từ một đất nước phát triển khi đến Việt Nam sẽ chẳng bao giờ giơ máy lên chụp những tòa nhà chọc trời, những cửa hàng Channel hay L.V. mới mở. Vì điều đó có quá nhiều ở đất nước họ, cái họ tìm là những khác biệt về cảnh vật, về văn hóa, điều làm cho họ thấy thích thú.
Đối với những bạn trẻ như tôi, khi cuộc sống hàng ngày được bao quanh bởi công nghệ, bởi GPS, bởi những cuộc gọi được điều khiển bằng giọng nói trước khi nói chuyện trực tiếp với người thì chính những điều gì đó phát sinh một cách tự phát khiến chúng tôi nhớ nhiều hơn.
Đó là những cuộc gọi rủ đi chơi không cần phải hẹn trước nhiều ngày, là việc chạy đi đâu đó rồi tạt ngang nhà bạn xem bạn có nhà không, là những lúc ngồi ngay vỉa hè chờ người bán hàng gọt xoài bỏ vào bịch ni lông, là việc ngồi thẳng xuống đất lựa cam bỏ vào giỏ.
Những điều mà bạn khó có thể làm tại Mỹ khi nó bị ràng buộc bởi hàng loạt khoản về an toàn vệ sinh thực phẩm này nọ.
Khi bạn yêu ai đó, bạn không thể chỉ yêu những cái đẹp và bày tỏ nó ở những góc hoàn mỹ nhất. Nếu yêu mà phải có điều kiện thì bạn có thật sự là yêu nó trọn vẹn?
Tôi yêu Sài Gòn bằng tất cả trái tim mình một cách vô điều kiện. Tôi yêu sự ồn ào của nó, tôi yêu cả tiếng kèn kẹt xe khiến tôi phát điên, tôi yêu những cuộc đời bình dị nhất, tôi yêu cả sự lộn xộn và vì lý do đó mà tôi thể hiện nó trong những tấm hình của mình...
Nơi tôi ghi lại những cuộc đời đang di chuyển, những con người lao động chợt vụt qua, những phiên chợ, những đứa trẻ, những góc phố...những gì vẫn đang tồn tại, những gì tôi thấy...
.... những gì tôi yêu đơn giản chỉ vì tôi yêu...
Thai Nguyen Hong Ngoc