Kissinger hy vọng người Nga có thể sắp xếp chuyện này. Đại sứ nói Ngoại trưởng muốn việc di tản bằng máy bay phải được tiếp diễn càng lâu càng tốt, có lẽ là trong 24 giờ.
Hơn 4 giờ sáng, nhiều quả rocket rơi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó là một cuộc bắn yểm hộ của pháo hạng nặng. Thời gian chờ đợi đã kết thúc, cuộc chiến giành Sài Gòn bắt đầu. Bầu trời bình minh như tấm nền cho đạn lửa. Một máy bay trực thăng phát nổ và rơi xuống ở tầm thấp, lửa vẫn cháy. Ở phía đông, tại khu vực ngoại vi, tiếng súng cối vang lên. Điều đó có nghĩa quân đội của Mặt trận Giải phóng miền Nam đã có mặt tại Sài Gòn và đang hướng về phía sứ quán Mỹ.
Di tản trên nóc sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 29/4/1975. |
6 giờ sáng, cuộc họp giữa Martin với các quan chức đầy sự bất đồng. Tất cả mọi người, trừ đại sứ, nhất trí phải tiến hành di tản ngay lập tức. Martin thì không cho là như vậy, ông tuyên bố sẽ không "chạy trốn" và sẽ tự lái xe tới sân bay Tân Sơn Nhất để đánh giá tình hình. Không một ai trong sứ quán nghi ngờ chuyện mất Sài Gòn. Khi cuộc họp kết thúc, phụ trách CIA tại Nam Việt Nam Tom Polgar ra lệnh chặt cây me.
Các máy đốn cây được tập hợp lại. Một nhóm khá đông các sĩ quan CIA, cựu thành viên Đặc nhiệm (Mũ nồi Xanh) và cựu lính Mỹ đến từ California để bảo vệ sứ quán cũng có mặt. Họ mang theo súng máy, súng trường và dao. Họ còn có rìu và cưa điện. Các thư ký trong sứ quán mang bia và sandwich ra. Họ sắp đốn cây me của đại sứ mà không được đại sứ cho phép.
Trong lúc đó, một loạt ôtô và xe tải đi vào khu chợ bên ngoài Thảo cầm viên, nhanh chóng đưa hàng xuống: thịt bò đông lạnh, thịt lợn, nước cam, những bình hoa quả dầm và rượu anh đào lớn, bơ, bánh Sara Lee, bia Budweiser, 7-Up, kẹo cao su Wrigley, xì gà với đầu bịt bằng nhựa Have-A-Tampa... Số hàng này được đưa ra từ khu quân nhu Sài Gòn, địa điểm đã bị lính Việt Nam Cộng hoà bỏ lại. Một máy làm nước lạnh nhanh chóng được bán và chở đi trên xe xích lô. Một máy rửa bát mang nhãn hiệu Blue Swan, trên hộp vẫn còn khẩu hiệu của hãng "Chỉ có hàng hoá tốt nhất là dành cho khách hàng". Chiếc máy được người ta lấy ra khỏi hộp và đặt trên đường. Hai giờ sau, nó vẫn ở đó, không ai mua và người ta chỉ lấy đi những bộ phận quan trọng.
Thiết quân luật 24/24 giờ được áp dụng ở Sài Gòn, nhưng vẫn có người trên phố. Một số trong đó là binh lính Sư đoàn số 18 Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Tôi nghĩ họ sẽ tức giận khi thấy người Mỹ sắp ra đi. Sáng đó, khi họ xuất hiện ở trung tâm thành phố, họ chỉ nhìn những người nước ngoài hoặc đe doạ hoặc bắn chỉ thiên để giải toả nỗi tức giận.
Tôi trở lại khách sạn Caravelle, nơi tôi sẽ gặp phóng viên Sandy Gall của ITN. Chúng tôi là "người có trách nhiệm di tản" thuộc diện TCN Press, tức là Công dân nước thứ ba (không phải người Mỹ hay người Việt Nam). Vài ngày nay, tôi và Sandy đã gánh trách nhiệm cố gắng tổ chức cho các đại diện của báo chí Anh, Canada, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Argentina, Brazil, Hà Lan và Nhật Bản - những người muốn ra đi. Sứ quán Mỹ đã phát hành cuốn sách dày 15 trang có tên SAFE - viết tắt của "Chỉ dẫn và Tư vấn tiêu chuẩn cho thường dân trong trường hợp khẩn cấp", trong đó có bản đồ Sài Gòn, đánh dấu những khu vực nơi trực thăng sẽ đưa người đi. Một trang đính kèm viết: Chú ý biển báo di tản. Không tiết lộ cho người khác. Khi được lệnh di tản, mã sẽ được đọc trên Đài phát thanh Quân đội Mỹ. Mã là: NHIỆT ĐỘ Ở SÀI GÒN LÀ 112 ĐỘ VÀ ĐANG TĂNG LÊN. TIẾP SAU ĐÂY LÀ GIAI ĐIỆU BÀI "I'M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS". Các phóng viên Nhật lo ngại họ sẽ không nhận ra giai điệu đó và băn khoăn liệu ai có thể hát bài hát đó cho họ không.
Tại Caravelle, tôi và Gall đề nghị một số người phụ trách công tác di tản ở tầng trệt. Họ đảm bảo rằng các phóng viên ốm yếu, nghễnh ngãng, buồn ngủ, bị kẹt trong nhà tắm... sẽ không bị bỏ lại. Có một chút ít tư lợi ở sự sắp xếp này. Tôi có cảm giác sẽ không bị bỏ lại.
Nguyễn Hạnh dịch
Còn tiếp
Phần 1