Nhà báo John Pilger.
John Pilger là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh. Ông đã hai lần đoạt "Nhà báo của năm" - giải báo chí cao nhất nước Anh - vì những hoạt động ở Việt Nam và Campuchia. Ngoài ra, Pilger còn nhận giải "Phóng viên quốc tế của năm" và "Giải Liên minh báo chí Liên Hợp Quốc". Dưới đây, ông mô tả những gì được chứng kiến trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn năm 1975.Sài Gòn, tháng 4/1975.
Bây giờ là 8 giờ; tôi đi dọc Công trường Lam Sơn để mua ít cà phê. Sài Gòn bị nã rocket đã hai đêm nay. Một quả rocket xén một vạt rộng ở khu nhà san sát của người Hoa ở Chợ Lớn. Người ta đứng đó bất động nhìn đống tôn múi là những gì còn sót lại từ ngôi nhà của mình. Hầu như không có phóng viên; những quả rocket hôm qua là tin sốt dẻo, đó là quả rocket đầu tiên rơi xuống Sài Gòn 10 năm nay; nhưng đợt tấn công rocket hôm nay thì không còn được quan tâm nhiều như thế nữa.
Chỉ có một phóng viên ảnh người Pháp mò mẫm trong đống sắt vẫn còn ngọn lửa cháy âm ỉ. Anh kéo tay tôi và đưa tôi đến một nơi trước kia là khu bếp. Ở đó một em gái nhỏ khoảng 5 tuổi, hai má bầu bĩnh. Em bị bỏng. Chúng tôi cố gắng cho em chút nước trong khi chờ băngca đến.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hoà Graham Martin. |
Đại sứ Mỹ Graham Martin xuất hiện trên truyền hình Sài Gòn, cam kết Washington sẽ không rời Việt Nam. "Tôi, Đại sứ Mỹ, sẽ không chạy trốn lúc nửa đêm. Bất kỳ ai cũng có thể tới nhà tôi và chứng kiến tôi chưa thu dọn hành lý", Martin nói. Đại sứ Mỹ là một người kiên quyết và nóng nảy. Ông ta không khoẻ lắm, má hóp và nước da sạm vì bị viêm phổi nhiều tháng nay. Bài phát biểu đôi khi phải ngừng lại do ảnh hưởng của những viên thuốc mà nhà ngoại giao phải uống. Ông hút thuốc lá liên tục, và những cuộc nói chuyện của đại sứ thường bị gián đoạn bởi những tràng ho dài.
Nhiều tuần nay, Martin khẳng định với Washington rằng Nam Việt Nam có thể tồn tại với "vành đai thép" bao quanh Sài Gòn và những máy bay B-52 hiện đại. Tuy nhiên, đại sứ không thể hoàn hoàn phớt lờ những gì ông chứng kiến..
Trong sứ quán Mỹ, một trong những cây me do người Pháp trồng từ cách đó một thế kỷ ngả bóng trên hành lang, trong khu vườn bên ngoài phòng họp chính. Khoảng không duy nhất còn lại đủ lớn cho một trực thăng hạ cánh là bể bơi ở giữa, và sân bay dành cho máy bay lên thẳng trên mái nhà đại sứ quán được thiết kế dành cho trực thăng nhỏ Huey mà thôi. Nếu "Option Four" (Di tản bằng trực thăng) được tiến hành, thì chỉ có trực thăng Chinook và Jolly Green Giant của lính thủy đánh bộ là có thể chuyển số lượng người lớn sang Hạm đội Bảy, ở ngoài khơi khoảng 50 km, trong một ngày. Cây me là thắc mắc cuối cùng của Graham Martin. Ông đã nói với nhân viên rằng khi cây này đổ, uy tín của Mỹ cũng đổ theo và ông không còn gì nữa.
Quang cảnh hỗn loạn bên ngoài sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cuối tháng 4/1975. |
Ngày 28/4, Mặt trận Giải phóng miền Nam đã kéo cờ trên cây cầu cách trung tâm thành phố 5 km. Ảnh hưởng của đợt gió mùa sớm khiến Sài Gòn nằm dưới đám mây nặng như chì. Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn và đàm phán. Khi ông ta kết thúc bài phát biểu, tiếng sấm vang lên. Chiến tranh sắp kết thúc.
Tôi đi nhanh trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) trong ánh chớp. Hơn chục cửa hiệu đã đóng cửa từ hôm trước, các chủ hiệu đã tới sân bay Tân Sơn Nhất, trả một khoản tiền hậu hĩ để được xếp hàng chờ di tản. Ông thợ may ở số 24 đường Tự Do, trong cửa hiệu Austin's Fine Clothes, đang đếm tiền và chửi đổng vì radio không bắt được BBC World Service. Tôi đã biết người thợ may này lâu nay và mối quan hệ cũng tốt đẹp. Ông có ít nhất 5.000 USD trong ngăn kéo và hộ chiếu Ấn Độ thò ra khỏi túi áo sơmi. "Cộng sản tôn trọng hộ chiếu", người thợ may nói trong tiếng sấm, nhưng tiếng sấm lần này có vẻ khác.
Trong nửa giờ tiếp theo, tôi và người thợ may đứng yên tại chỗ, không dám ra ngoài. Đài VOA chơi bài hát "Cherry Pink and Apple Blossom White". Tôi và thợ may cùng hát theo, và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được lời bài hát. Khi những âm thanh rền vang chấm dứt, người thợ may thu hết tiền bạc trong ngăn kéo vào nói "OK, chạy được rồi đấy!".
Có vẻ như cả Sài Gòn đang chạy trốn nỗi sợ hãi trong sự yên lặng. Viên quân cảnh đứng ở góc phố cố gắng ngăn cản mọi người. Một gái bar từ khách sạn Miramar vấp phải rãnh nước, rồi lại chạy tiếp. Đối diện khách sạn Caravelle, một viên cảnh sát bắn chỉ thiên bằng khẩu M-16. Bên cạnh anh ta là một người đàn ông nằm trên đường, xe đạp đổ trên người.
Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt bạn: một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố tuyên bố là kinh đô của giới tiêu dùng thế giới mà chẳng cần sản xuất cái gì. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó (Quân đội Việt Nam Cộng hoà), binh lính đang đào ngũ với tốc độ 1.000 người/ngày.
Nguyễn Hạnh dịch
Còn nữa