Ngày 8/3, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ nhận định, trong hôm nay và ngày mai khối áp cao cận nhiệt đới suy yếu, rút dần ra phía đông, diện nắng nóng ở TP HCM và Nam Bộ thu hẹp, nhiệt độ từ 34 đến 36 độ C, độ ẩm thấp 35-45%. Tuy nhiên, đến ngày 12/3 áp cao có xu hướng hoạt động ổn định trở lại gây nắng nóng khắp Nam Bộ.
Mức nhiệt cao nhất đo ở TP HCM lên 36 độ C và ảnh hưởng của đô thị hóa khiến sức nóng ngoài trời có khi đạt 37-38 độ C. Nhiệt độ ở các địa phương Đông Nam Bộ vẫn ở ngưỡng cao như Biên Hòa (Đồng Nai) 37 độ C, Sở Sao (Bình Dương) 36 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 37 độ C, các tỉnh miền Tây 35-36 độ C. Thời điểm nắng gay gắt nhất vào buổi trưa từ 11h đến 15h.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, từ giữa tháng 3, Nam Bộ có thể xuất hiện mưa trái mùa một vài nơi, lượng mưa được cho không cao 20-40 mm nhưng giúp cắt chuỗi ngày nắng nóng oi bức trong 2 đến 3 ngày, sau đó tiếp tục đợt nắng nóng khác.
Trong tháng 4 và 5, các tỉnh miền Đông Nam Bộ thường xuất hiện cao điểm nắng nóng, nhiệt cao nhất năm thường vào khoảng thời gian này. TP HCM và các tỉnh miền Đông lên 38-39 độ C. Các tỉnh miền Tây cao điểm nắng nóng thường vào tháng 5, nơi nóng nhất thường ở Mộc Hóa (Long An), Châu Đốc (An Giang), mức nhiệt 36-37 độ C. Đợt nắng nóng gần đây của TP HCM và các tỉnh Nam Bộ vào tháng 4 năm ngoái với mức nhiệt cao nhất 37 độ C.
Những ngày nhiệt độ tăng cao, người ở ngoài đường lâu dễ bị say nắng. Chỉ số tia UV có thể đạt mức 9-10 ảnh hưởng đến da khi ở ngoài trời trên 20 phút. Người dân ra đường cần trang bị áo dài tay, kính mát, phụ nữ cần bôi kem chống nắng, người lao động làm việc ngoài trời cần uống nhiều nước...
Hà An