Chiều tối 18/11, mưa to kèm gió lớn xuất hiện đầu tiên tại khu Nam Sài Gòn như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh... Trên đường Nguyễn Văn Linh (quận7), nhiều người đi xe máy bị gió mua bạt, phải tấp vào lề.
Mưa ngớt sau đó nhưng khoảng một giờ sau lại diễn ra trên toàn thành phố. Hàng loạt tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Hồ Học Lãm (Bình Tân), Gò Dầu (Tân Phú), Cây Trâm, Lê Văn Thọ (Gò Vấp), Dương Văn Cam (Thủ Đức)... ngập đến 30 cm khiến nhiều xe chết máy.
"Nghe bão sắp vào Nam Trung Bộ nên chắc Sài Gòn bị ảnh hưởng, còn chuyện ngập thì như cơm bữa ở đây rồi, nhất là đường này", bà Thành (45 tuổi) dẫn bộ xe trên đường Huỳnh Tấn Phát, nói.
Mưa lớn kèm gió mạnh khiến một số cây tại khu vực bến Phú Định (quận 8), đường 20 (quận Gò Vấp)... đổ, nằm chắn đường xe qua lại.
Tương tự, tại phường Linh Đông (Thủ Đức) cây xanh bật gốc, tét nhánh đè vào nhà dân. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều khu vực thuộc phường Linh Xuân, Linh Chiểu bị mất điện.
Theo thống kê của Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, cơn mưa chiều tối nay gây ngập vừa và nhẹ ở 20 tuyến đường. Ngoài TP HCM, mưa lớn xảy ra ở Đồng Nai, Vũng Tàu nhưng không kéo dài.
Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ cho biết, do mây đối lưu phát triển mạnh gây mưa dông cho TP HCM và các tỉnh phụ cận, lưu lượng mưa có nơi đạt 60-80 mm.
TP HCM được dự báo có khả năng bị ảnh hưởng bão số 14 đang tiến vào Nam Trung Bộ.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và thiên tai đã chỉ đạo Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải và UBND các quận huyện yêu cầu chủ bến và chủ đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm... chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động, có hiệu lực từ 1h ngày 19/11 cho đến khi có lệnh mới.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h ngày 18/11 tâm bão 14 (tên quốc tế là Kirogi) cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km, sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8), giật tăng 3 cấp.
Vùng gió mạnh có bán kính 150 km về phía Bắc, 100 km về phía Nam tính từ tâm bão. Di chuyển hướng Tây, tốc độ 20-25 km/h, đến 4h sáng mai tâm bão ngay bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió tối đa 90 km/h (cấp 9), giật cấp 12. Bão sau đó đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh thành trong khu vực ảnh hưởng bão ráo riết chuẩn bị các phương án phòng chống bão như gia cố nhà cữa, neo đậu tàu thuyền, sẵn sàng di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Xuân Ẩn