Tên sách: Mặc khách Sài Gòn
Tác giả: Tô Kiều Ngân
Nhà xuất bản Hồng Đức
Tác giả Tô Kiều Ngân (1926 - 2012) tên thật là Lê Mộng Ngân, sinh ra tại Huế, sinh sống ở Sài Gòn. Ông là một nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ thổi sáo, ngâm thơ nổi tiếng trong thập niên 1950 - 1970.
Là người hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi, Tô Kiều Ngân lập ban thi văn Tao Đàn trên Đài Phát thanh Sài Gòn cùng với các nhà thơ Đinh Hùng, nghệ sĩ Thanh Nam, Hồ Điệp, Hoàng Anh… Tao Đàn là nơi tiếng sáo và giọng thơ ngâm của ông vang lên, được bao người mến mộ. Tô Kiều Ngân cũng tham gia sáng lập tuần báo Thẩm mỹ, cộng tác với các tờ báo như Sáng tạo, Văn nghệ Tiền phong, Tiểu thuyết tuần san...
Hoạt động văn nghệ và quen thân cùng nhiều văn nghệ sĩ, Tô Kiều Ngân đã viết về chân dung những người bạn mình trong tập Mặc khách Sài Gòn.
"Mặc khách" là từ chỉ những văn nhân thi sĩ cùng những người hoạt động nghệ thuật, mong muốn đem tài hoa, con tim khối óc ra tô đẹp cho đời. Chữ "khách" chỉ những người của đám đông, được nhiều người lưu tâm, ngưỡng mộ. Trong Lời nói đầu của sách, Tô Kiều Ngân viết: "Mặc khách Sài Gòn khá đông, mỗi người một vẻ, không thể một lúc mà viết cho hết được nên chỉ xin giới hạn trong một số người mà tác giả may mắn được quen biết, giao du hoặc cùng hoạt động chung trong một môi trường nghệ thuật".
Cuốn sách của Tô Kiều Ngân vẽ lại chân dung 15 văn nghệ sĩ cùng thời với tác giả. Đó là những nhà văn, nhà thơ, cộng sự, tri âm tri kỷ với ông, như nhạc sĩ Lê Thương, nhà thơ Nguyễn Vỹ, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, họa sĩ Tạ Tỵ, nhà thơ Bùi Giáng, nhà thơ Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng...
Các bài viết không dựng lại hẳn chân dung văn học, chủ yếu là những kỷ niệm vui buồn mà tác giả có được trong thời gian quen biết với các tao nhân, mặc khách. Những nhân vật được nhắc đến trong sách phần đông đã cùng tác giả đi vào cõi vĩnh hằng, những người còn lại hoặc im hơi lặng tiếng, hoặc vẫn chưa dứt mộng văn chương.
Tuy không phải sách phê bình, song ở mỗi bài viết về nhân vật, Tô Kiều Ngân lại đưa vào những tác phẩm nổi tiếng của họ. Bên cạnh các bài thơ, bản nhạc, tác giả cũng chụp lại nhiều tư liệu quý, như thủ bút của Bùi Giáng, thủ bút của Vũ Hoàng Chương, tranh minh họa trên báo của Tạ Tỵ, ảnh quý của các nhân vật...
Mặc khách Sài Gòn không chỉ là tập di cảo ghi lại những hồi ức của một văn nhân, mà còn là những tư liệu quý, góp phần khắc họa diện mạo của văn học nghệ thuật một thời.
Hiền Đỗ