Kiến trúc nhà hát đầu tiên của thành phố vào đầu thế kỷ 20 qua ống kính người Pháp, được giới thiệu trong ấn bản mới của sách "Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ", do NXB tổng hợp TP HCM giới thiệu dịp lễ 30/4-1/5. Theo tài liệu do nhóm tác giả tổng hợp từ Trung tâm lưu trữ quốc gia II, công trình được các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng theo lối "flamboyant" (phong cách kiến trúc với họa tiết trang trí mảnh và mềm mại như ngọn lửa) khánh thành vào năm 1900. Đến nay, nhà hát là một trong những biểu tượng văn hóa của TP HCM, nơi diễn ra các đêm nghệ thuật, ca nhạc, thu hút đông đảo người mộ điệu hàng tuần. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cuối thế kỷ 19 tấp nập các phương tiện giao thông. Công trình được xây từ năm 1877, do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế, hoàn thành sau ba năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Hầu hết nguyên vật liệu từ gạch, ngói, sắt, thép đến ốc vít, kính màu trang trí đều được chuyển từ Pháp sang nhằm đảm bảo mô phỏng đúng nguyên tác nhà thờ Notre Dame của Paris. Hiện nhà thờ trong quá trình tu sửa, dự kiến hoàn thành năm 2027. Bưu điện thành phố ban đầu là một tòa nhà thô sơ gồm hai gian thấp, lợp ngói phẳng, bao bọc bởi một hàng rào tre thưa. Năm 1886–1891, công trình được xây với phong cách chiết trung theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux, pha trộn giữa phong cách phương Tây cùng nét trang trí phương Đông. Cùng nhà hát thành phố, nhà thờ Đức bà, bưu điện tạo thành quần thể di tích đặc biệt, là biểu tượng trong lòng người Sài Gòn. Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND TP HCM) do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế và xây dựng từ năm 1889 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, công trình được gọi là tòa đô chánh Sài Gòn - nơi làm việc và hội họp. Vườn bách thảo Sài Gòn rộng 20 ha, được người Pháp xây dựng năm 1864, làm nơi nuôi trồng các loài động vật, thực vật của toàn Đông Dương. Ban đầu, đất đai nơi đây vốn nhiều sình lầy, lực lượng viễn chinh phải phát quang, tạo lối đi, xây những chuồng thú đầu tiên. Sau này, công trình có tên Thảo Cầm Viên, trở thành một trong tám vườn thú lâu đời nhất thế giới. Hôm 23/3, Thảo Cầm Viên Sài Gòn kỷ niệm dịp tròn 160 tuổi. Dinh thống đốc Nam Kỳ (nay là bảo tàng thành phố), còn được gọi là dinh Gia Long vì nằm trên đường cùng tên, do kiến trúc sư người Pháp - Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890 theo phong cách kiến trúc gothic, phần mái mang dáng dấp Á Đông. Dinh toàn quyền (dinh Độc Lập ngày nay) được xây từ nửa cuối thế kỷ 19. Để xây công trình, chính quyền mở cuộc thi thiết kế với giải thưởng 4.000 Franc. Theo sử liệu, vật tư xây cất phần lớn được chuyển từ Pháp sang. Lúc bấy giờ, đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) vẫn còn bùn lầy, ẩm thấp. Từ 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương. Góc phố Catinat - Lagrandière (Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, quận 1 ngày nay). Con đường mệnh danh là "cuống rốn" của Sài Gòn xưa, dài chưa đầy một km nhưng tập trung nhiều cơ sở thương mại, khách sạn đầu tiên của thành phố. Một góc phố Catinat ở trung tâm Sài Gòn cuối thế kỷ 19. Con đường nhộn nhịp trước Tòa thị chính, nay trở thành phố đi bộ Nguyễn Huệ. Bến cảng Sài Gòn những năm nửa cuối thế kỷ 19. Sau khi đánh chiếm Gia Định, Pháp khẩn trương tiến hành xây dựng cảng ở đây để vừa nuôi chiến tranh xâm lược, vừa thực hiện mục tiêu khai thác thuộc địa. Thương cảng Sài Gòn năm 1866, hai năm sau khi được xây dựng, do nhiếp ảnh gia Emile Gsell chụp. Mai Nhật Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia II