Lịch sử V-League đã chứng minh, dù ở thể thức nào với tổng số trận đấu trong mùa ra sao, có ba yếu tố quan trọng nhất gắn liền với các nhà vô địch: số trận thắng nhiều nhất (tối thiểu từ 50% tổng số trận), thuộc ba đội dẫn đầu về số bàn thắng và tận dụng ưu thế sân nhà tốt nhất. Những nhà vô địch V-League từng bị xem là tệ nhất như Hà Nội T&T năm 2010, Quảng Nam năm 2017 và Đồng Tâm Long An năm 2006 cũng phải có ít nhất hai trong số ba yếu tố nói trên. Những chi tiết như số trận thua hay kết quả đối đầu trực tiếp đều ít có ảnh hưởng.
Nhưng Sài Gòn hầu như không có yếu tố nào, dù hiện nay chỉ thua duy nhất một trận - thành tích mà trong lịch sử V-League chỉ Hà Nội FC của mùa giải "vô đối" 2018 làm tốt hơn (không thua trận nào). Vấn đề là ở V-League, số trận thua chẳng nói lên điều gì. Có nhiều nhà vô địch từng thua đến tám trận, chiếm hơn 30% tổng số trận trong một mùa, cũng chẳng sao cả. Thế nên, thành tích ít thua của Sài Gòn chưa nói lên điều gì. Hãy tưởng tượng, nếu đội bóng của Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành không thua cho đến hết giải, nhưng hòa đến năm trận, thì chức vô địch cũng chẳng thể đến với họ.
Thua ít nhất nhưng các thông số khác của Sài Gòn không trội hơn. Nếu dựa vào số lượng trận thắng để xác định chức vô địch, hiện tại có đến ba đội ngang bằng với họ là Viettel, TP HCM và Quảng Ninh. Sáu chiến thắng sau 13 trận giai đoạn một, tức là chưa đạt đến con số 50%, buộc Sài Gòn phải thắng thêm tối thiểu bốn trận nữa. Đó quả là một thách thức lớn. Trong sáu trận thắng ở giai đoạn một của Sài Gòn, có đến bốn lần diễn ra trước Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nam Định và Hải Phòng - vốn đang nằm ở nhóm chống xuống hạng. Chỉ riêng chi tiết này cũng đủ thấy Sài Gòn chỉ giỏi "bắt nạt" các đội bóng yếu. Trong khi đó, thành tích đối đầu của họ với các đội cùng top 8 là thắng hai, thua một và hòa bốn, tức là chỉ kiếm được 10 trong tổng số 24 điểm đang có. Số điểm này thậm chí kém HAGL (12 điểm). Nếu ở các mùa bình thường, có lẽ cũng chẳng sao, mấu chốt vẫn là tổng điểm cuối mùa. Nhưng mùa này, ở giai đoạn hai Sài Gòn chỉ đá với các đối thủ trực tiếp.
Muốn thắng, cốt lõi phải ghi được nhiều bàn hơn đối phương, Sài Gòn thì ngược lại. Họ ghi 19 bàn, xếp thứ tư trong số tám đội mạnh nhất giải, nhưng có đến 15 bàn vào lưới Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hải Phòng và Nam Định. Họ chỉ ghi được bốn bàn trước các đội top 8. Giai đoạn một dù sao cũng dễ dàng, chứ sang giai đoạn hai trận nào cũng là "trận đinh" thì rất khó tin Sài Gòn FC sẽ lột xác và ghi được nhiều bàn trước những đội bóng sẵn sàng trừng phạt họ. Không khó nhận ra điểm yếu về ghi bàn của Sài Gòn bởi có đến 12 bàn do công Pedro (bảy bàn) và Geovaneo (năm bàn). Bảy bàn còn lại được ghi bởi ba cầu thủ khác. Nhìn vào thống kê này, dễ hình dung là nếu các đối thủ khóa được bộ đôi ngoại binh, xem như Sài Gòn hết cửa.
Cuối cùng là yếu tố sân nhà. Về lý thuyết, đây là một lợi thế, nhất là khi Sài Gòn được đá bốn trận ở Thống Nhất trong giai đoạn hai nhờ vị trí đứng đầu hiện nay. Thế nhưng, ở giai đoạn một, họ chỉ kiếm được 10 điểm và ghi bảy bàn qua sáu trận sân nhà. Có đến ba lần họ hòa cùng tỷ số 0-0 ở đây.
Mọi con số vốn dành cho nhà vô địch đều chống lại Sài Gòn. Ngay đến khoảng cách giữa họ và Viettel chỉ là hai điểm, cũng khiến người hâm mộ nhớ đến mùa giải năm ngoái. Lúc đó, TP HCM còn mạnh hơn Sài Gòn hiện nay khi thắng đến tám trận, hơn Hà Nội hai điểm. Nhưng cho đến khi kết thúc giải, đội bóng thủ đô thắng thêm tám trận, ghi thêm 36 bàn trong khi các con số tương ứng của TP HCM chỉ là sáu và 24.
Rõ ràng, nếu muốn vô địch, Sài Gòn phải thay đổi gần như toàn diện về cách tiếp cận trận đấu và chiến thuật. Nhưng phong độ của họ đang có chiều hướng đi xuống, khi ba trận gần nhất đều không thắng. Xét trên mọi phương diện, đứng đầu bảng nhưng cơ hội vô địch của Sài Gòn xếp sau Viettel, Hà Nội và cả... đội bóng cùng thành phố là TP HCM.
Song Việt