Trong thời gian nghỉ tránh dịch và nghỉ Tết vừa qua, Sài Gòn FC đồng loạt làm được một số việc lớn. Từ thay HLV trưởng, công bố chiến lược mua lại một CLB ở giải J-League 3, đưa cầu thủ sang J-League 2 rồi nhận chuyển giao Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF (đơn vị đứng ra nhận là Tập đoàn Văn Lang - một trong những nhà đầu tư lớn của Sài Gòn FC).
Các bước đi của Sài Gòn FC về lý thuyết là tin vui, vì nó thể hiện được cam kết đầu tư của họ, nhất là sau một mùa giải rất thành công với HC đồng V-League 2020. Bóng đá Việt Nam từng đưa cầu thủ sang châu Âu du học với trường hợp của cầu thủ HAGL, hay thành lập các cơ sở đào tạo liên kết với những CLB hàng đầu thế giới. Nhưng chưa ai nghĩ đến việc tạo cơ sở phát triển cầu thủ Việt Nam ngay ở nước ngoài như Sài Gòn FC. Các động thái của họ gợi mở về một công thức: Đào tạo cầu thủ ở PVF, sau đó đưa sang Nhật Bản để tiếp nhận môi trường chuyên nghiệp, khi đủ tuổi thì đưa về Việt Nam chơi V-League. Nếu thuận lợi hơn, các cầu thủ đó có thể chơi bóng và được các CLB Nhật Bản mua lại, tức một kiểu "xuất khẩu tại chỗ".
Cách làm của Sài Gòn FC được xem là đột phá, bởi nó tạo ra một vòng tròn khép kín từ đào tạo đến thi đấu và tiếp cận gần hơn với thị trường chuyển nhượng quốc tế. Vòng tròn ấy sẽ giúp cho hoạt động đào tạo không bị lãng phí, khi cầu thủ dù tốt hay không, vẫn được sử dụng, phần nào đó cũng giúp cho ngân sách đầu tư của Sài Gòn FC được hiệu quả.
Nhưng cũng chính vì chiến lược của Sài Gòn FC quá tốt, nên mới gây băn khoăn. Dù cách làm của Sài Gòn FC có tiến bộ cỡ nào, họ vẫn là một CLB tại V-League, nơi các CLB phát triển tính chuyên nghiệp không đồng đều. Cũng như một con thuyền lớn, đóng bằng sắt, nhưng lại chỉ đánh bắt trên sông thay vì đi ra biển lớn. Mô hình của J-League mà Sài Gòn FC đi theo có thể chỉ phát huy tác dụng nếu như V-League cũng được vận hành theo kiểu của J-League. Nhưng trên thực tế, trong 14 đội bóng hiện nay, không dưới năm đội vẫn thuộc dạng "vỏ bưởi, lòng cam" - mang tiếng doanh nghiệp nhưng vẫn lệ thuộc vào nguồn ngân sách hay cơ chế của địa phương. Đa số CLB không tự kiếm được tiền, làm ra tiền, mà vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh của đơn vị sở hữu.
Hơn 10 năm trước, HAGL từng có những bước đi đột phá với tham vọng rất lớn. Nhưng đến giờ, chưa có mục tiêu nào của bầu Đức thực sự đạt được kết quả mỹ mãn. Dàn cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL từng ra nước ngoài thi đấu, nhưng xét về trình độ, chưa vượt trội mặt bằng chung. Các khóa đào tạo sau đó cũng chưa tốt hơn, không tạo ra một nhóm cầu thủ đủ cho bộ khung của đội bóng.
Bán cầu thủ không xong, thành tích thi đấu của HAGL cũng chưa có gì đặc biệt. Lần gần nhất họ vào top 3 V-League là từ 2013, khi vẫn còn cách làm cũ. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng quan trọng nhất là V-League chưa thực sự cải thiện về chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp, nên dù có đột phá về cách nghĩ, thì kết quả mà bầu Đức nhận được vẫn không rõ ràng. Ngay việc "triệu hồi" Kiatisuak về làm HLV mùa này cũng mang hơi hướng thương mại nhiều hơn, dù được kỳ vọng bước đi này sẽ là "dấu chấm trên đầu chữ I".
Trở lại với Sài Gòn FC, những toan tính kinh doanh bóng đá của họ có thể tốt, nhưng ở một môi trường mà việc bán áo đấu, bản quyền truyền hình, thu nhập từ bán vé... vẫn rất sơ khai, nỗ lực của CLB này sẽ khó thành công trong thời gian sớm. Nếu cả 14 CLB V-League đều có cùng một cách hoạt động, tạo ra được một thị trường mà người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền mua vé trọn mùa, săn lùng các vật phẩm lưu niệm chính hãng, trả tiền để xem trực tiếp truyền hình, thì chiến lược của Sài Gòn FC rất đáng học hỏi. Nói cách khác, các CLB phải cùng tạo ra một môi trường để kinh doanh, có khách hàng và có những thứ để bán. Nếu không có những nguồn thu ấy, nỗ lực đầu tư nào rồi cũng đều đến lúc mệt mỏi, chán nản.
Điều này cũng giống việc một đội như Hà Nội FC ra đấu trường châu Á chơi tốt, nhưng các đại diện Việt Nam khác lại thi đấu cẩu thả, vô trách nhiệm, bị loại từ sớm. Khi đó, dù Hà Nội FC có nỗ lực đến đâu, số lượng suất dự AFC Champions League cho bóng đá Việt Nam cũng khó mà tăng được. Bởi nói cho cùng, khi đánh giá trình độ của một nền bóng đá, không chỉ lấy một CLB hay thành tích của đội tuyển quốc gia làm thước đo. Nước lên thì thuyền mới lên, các cầu thủ Việt Nam vô cùng chật vật trong việc tìm chỗ đứng khi ra nước ngoài thi đấu, khác hẳn với cầu thủ Thái Lan đang nhận được sự tín nhiệm nhờ vào tính chuyên nghiệp của Thai-League, cho dù về khía cạnh chuyên môn, chưa chắc họ đã hơn cầu thủ Việt.
Dù sao, Sài Gòn FC cũng không đơn độc như HAGL của 15 năm trước. Hà Nội, Bình Dương, Viettel hay CLB TP HCM đang được vận hành theo mô hình của các công ty bóng đá có tham vọng. Nhưng con số ấy vẫn chưa đủ nhiều.
Song Việt