Khi đương kim Chủ tịch CLB Vũ Tiến Thành tự mình cầm sa bàn chỉ đạo thay HLV Hoàng Văn Phúc đột ngột từ chức sau vòng 1 của V-League 2020, đó có thể là giải pháp tình thế. Một Chủ tịch kiêm vị trí HLV chỉ đạo trên sân vốn là chuyện xưa nay hiếm. Trận đầu tiên ông Vũ Tiến Thành cầm quân, Sài Gòn FC thắng Đà Nẵng, qua đó đạt bốn điểm sau hai vòng. Khi các giải đấu bị tạm ngưng vì Covid-19, người hâm mộ tin rằng đấy là cơ may của Sài Gòn FC vì có thêm thời gian để tìm HLV mới.
Vậy mà, sau hơn 70 ngày, đứng bên đường biên chỉ đạo thi đấu vẫn là HLV "tất cả trong một" Vũ Tiến Thành. Không lẽ, Sài Gòn FC nghĩ rằng Chủ tịch kiêm HLV là câu chuyện nghiêm túc?
Nói về trình độ và niềm đam mê bóng đá, không phải ai cũng hơn được ông Vũ Tiến Thành. Nhiều người gắn bó với bóng đá đôi khi vì chẳng có chọn lựa nào tốt hơn, nhưng với ông Thành, có thể nói là sự "dấn thân". Thích đá bóng, nhưng rớt năng khiếu, rồi đi học đại học nghành bóng đá và sau đó chuyên tu ở những nơi được xem là "đất Thánh" của túc cầu giáo như Brazil, Đức. Ông Thành về nước làm thầy dạy bóng đá rồi HLV đội Bưu điện TP HCM, trợ lý phiên dịch cho năm đời HLV đội tuyển quốc gia, làm Giám đốc điều hành CLB Ngân Hàng Đông Á trước khi vướng lao lý vì vụ tiêu cực hối lộ trọng tài ở đội bóng này năm 2005. Hết hạn tù, việc đầu tiên mà ông làm lại là bóng đá. Năm 2009, ông thành lập công ty thể thao với cái tên Sài Gòn Gia Định, gợi nhớ đến huyền thoại Ngôi Sao Gia Định - đội bóng đầu tiên của xứ Nam Kỳ. Công việc không mấy suôn sẻ, ông quay về kinh doanh ở gia đình, tưởng đã an yên với cuộc sống khác nhưng rồi đột ngột trở lại. Tháng 12/2019 làm Chủ tịch CLB Sài Gòn FC. Tháng 3/2020 làm HLV trưởng. Tháng 5, thua trận đầu tiên trước tân binh đội hạng Nhất Bà Rịa Vũng Tàu.
Ông Thành có sở thích sưu tập quần jean. Những lần đi công tác xa, ông dành hẳn một va-li để xếp hơn chục cái quần jean. Dạng trang phục này vốn dành cho những người ưa thích sự tiện lợi, nhanh gọn nhưng với ông Thành, mỗi cái quần là một thông điệp. Có lẽ, sự chỉn chu ấy là động lực khiến ông lao vào bóng đá, tìm cách thể hiện cho người khác hiểu mình kể cả khi... họ không thể hiểu. Thế nên, nhìn sự nghiệp bóng đá của ông, chẳng còn việc gì mà ông chưa từng làm. Vấn đề nằm ở chỗ: ông cũng chưa thực sự để lại bất kỳ dấu ấn nào ở từng hạng mục ấy.
Sự hiểu biết quá nhiều của ông Thành phần nào làm hại ông. Lẽ ra, vị trí của ông là một người tư vấn chiến lược hơn là điều hành thực địa. Ông cũng không có "duyên" với các CLB. Lần gần nhất ông làm HLV là đội Bưu Điện TP HCM. Hai năm sau khi ông rời đi, đội bóng phải chuyển giao và giải thể. Đội bóng gần nhất ông làm Giám đốc điều hành là Ngân hàng Đông Á cũng chung số phận. Bản thân công ty thể thao Sài Gòn Gia Định cũng không thấy hoạt động gì.
Với bóng đá Việt Nam, tương lai của một CLB rất khó phán định. Với bóng đá ở TP HCM, lại càng khó khăn. Kể từ sau khi Cảng Sài Gòn chính thức giải thể, bằng nhiều cách khác nhau, làng cầu này vẫn có những đại diện tại V-League nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, kết cục như nhau: Biến mất. Năm 2008, tập đoàn Tân Tạo nhận chuyển giao đội Quân Khu 4 và đổi tên thành Navibank Sài Gòn, thi đấu được năm mùa, đoạt Cup Quốc gia 2011 rồi giải tán. Sau đó, đến đội Xi Măng Xuân Thành chuyển "hộ khẩu" từ Hà Tĩnh, cũng thắng Cup Quốc gia 2012 rồi giải thể. Sài Gòn FC vốn là đội Hà Nội B, sau khi thăng hạng được bầu Hiển chuyển vào TP HCM để tránh việc hai đội cùng chủ sở hữu đá cùng một giải đấu. Như vậy, "thân phận" của Sài Gòn FC chẳng khác gì Navibank Sài Gòn hay Xuân Thành trước đây, khó được thừa nhận chính thức như CLB TP HCM.
Những gì đang xảy ra ở Sài Gòn FC càng khiến người hâm mộ nghi ngại. Không ai cấm một Chủ tịch CLB làm HLV trưởng. Nhưng trong bóng đá chuyên nghiệp, hai chức danh này hoàn toàn khác biệt về bản chất. Ông Chủ tịch biết bao việc phải lo. Từ phát triển hệ thống các tuyến trẻ, khai thác kinh doanh, thiết lập tầm nhìn 5 năm - 10 năm, kết nối mối quan hệ giữa đội bóng và người hâm mộ. Trong khi đó, HLV cũng chẳng phải là việc nhẹ nhàng gì khi quản lý mấy chục con người và phải chịu áp lực thành tích, cũng như các tiêu chí bổ xuống từ lãnh đạo. Thế nên, nếu đã làm việc này thì làm sao có đủ thời gian để làm việc kia. Cũng từ đó suy ra, nếu ông Thành có thể cùng lúc làm hai việc, thì hoặc là ông quá giỏi, hoặc là ở Sài Gòn FC hiện nay chẳng có nhiều việc để làm.
Sài Gòn FC thực tế từng rất ổn định. Gốc gác của họ đến từ Hà Nội B và đích thân một tay bầu Hiển chăm chút. Thời điểm mà Sài Gòn FC ra mắt ở TP HCM, các cầu thủ Hà Nội còn ghen tị khi thấy bầu Hiển cứ "một tiếng Sài Gòn FC, hai tiếng cũng Sài Gòn FC". Những gì Hà Nội FC có, Sài Gòn FC ngay lập tức cũng được đáp ứng. Cả một dàn thân tín của bầu Hiển từ Hà Nội biệt phái vào Nam để giúp Sài Gòn FC vốn chịu khá nhiều thiệt thòi vì lực lượng còn trẻ. Nhờ nền tảng ấy mà kết quả thi đấu của Sài Gòn FC rất ổn: hai năm lọt vào top 5 (2017, 2019), hai lần khác đứng thứ bảy và thứ tám. Đội bóng này cũng được đánh giá là "lành tính" bậc nhất V-League với những người gây thiện cảm tốt như cựu chủ tịch Nguyễn Giang Đông (bố vợ cầu thủ Nguyễn Văn Quyết), đội trưởng Nguyễn Quốc Long. Trong quãng thời gian thành công ấy, cũng chỉ hai HLV trẻ cầm quân là Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Thành Công (con trai HLV Nguyễn Thành Vinh). Sài Gòn FC cũng góp ít nhất ba cầu thủ cho các đội U23 và đội tuyển quốc gia.
Dù Bầu Hiển bán cho ông chủ mới Nguyễn Cao Trí với cái giá nào đi nữa, đây chắc chắn cũng là một cuộc chuyển nhượng chất lượng. Sài Gòn FC có một nền tảng vững vàng, đủ để duy trì việc trụ lại V-League thêm vài năm giúp các ông chủ mới có thời gian để CĐV chấp nhận nhiều hơn. Thế nhưng, việc đầu tiên họ làm lại là thay toàn bộ thượng tầng quản lý. Việc kế tiếp là trong năm tháng, có đến hai lần thay HLV. Chẳng ai biết lý do gì khiến ông chủ mới của CLB cải tổ toàn bộ hệ thống vốn dĩ đã được vận hành an toàn để rồi tự trả đội bóng về lại con số không tròn trĩnh về niềm tin như những Navibank Sài Gòn, Xuân Thành trước đây.
Con đường còn dài, và không biết lần này ông Thành có "Tiến" với Sài Gòn FC hay không.
Song Việt