Ông Trần Văn Khuyên, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, việc vận chuyển lượng lớn nước ngọt xuống Bến Tre chỉ có thể thực hiện bằng đường thủy. Bởi xe bồn trọng tải 14-15 tấn, chở khoảng 5 m3 (5.000 lít) nước rất khó chạy ở đường nông thôn.
Sawaco đã phối hợp Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) vận chuyển nước ngọt từ hôm 22/2. Nước được tập kết tại cầu cảng đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP HCM) và Cát Lái (quận 2), rồi bơm lên bồn chứa trên sà lan, đưa tới người dân Bến Tre đang chịu hạn hán. Thời gian tới Sawaco tiếp tục cung cấp khoảng 2.000 m3 nước ngọt cho người dân miền Tây.
Bến Tre được xem là "rốn mặn" của miền Tây. Hồ trữ nước Kênh Lấp (huyện Ba Tri), trữ lượng một triệu m3 sau 6 tháng đưa vào sử dụng đã bị nhiễm mặn. Người dân phải dùng xe hoặc sà lan đi vài chục km mua nước ngọt, giá mỗi m3 cao gấp 10 lần ngày thường. Hơn 4.500 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị nhiễm mặn, chết héo, nhiều nông dân phải cắt cho bò, dê ăn.
Theo ông Khuyên, hiện công suất xử lý nước của Sawaco mỗi ngày khoảng 2,4 triệu m3, nhu cầu sử dụng của người dân TP HCM khoảng 2 triệu m3, số còn lại được xem như nguồn dự phòng và cung cấp cho một số tỉnh thành lân cận khi cần. Dù một số nơi thuộc vùng sâu, vùng xa của thành phố chưa có nước sạch nhưng vẫn cố gắng cấp hàng nghìn m3 nước ngọt để chia sẻ, giúp người dân miền Tây vượt qua hạn mặn.
Trước ý kiến cho rằng cần đề xuất thành phố xây dựng mạng lưới cấp nước cấp một, từ huyện Bình Chánh chạy dọc cao tốc TP HCM – Trung Lương về Tiền Giang cấp nước cho các tỉnh miền Tây, ông Khuyên nói khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay, bởi quy định các tỉnh thành đều có đơn vị cấp nước riêng.
"Sawaco là doanh nghiệp nhà nước không thể tự mình thực hiện mà phải được nhà nước giao. Mạng lưới cấp nước của vùng cũng cần quy hoạch cho phù hợp", ông Khuyên nói và cho hay việc cung cấp nước như trên chỉ là biện pháp tạm thời chứ chưa phải chiến lược lâu dài.
Giữa tháng 3, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-110 km, vượt mốc lịch sử 2016 từ 2 đến 8 km. Nguyên nhân là toàn lưu vực sông Mekong năm 2019 có lượng mưa thấp kỷ lục, cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin khiến hạ nguồn khô kiệt.
5 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống hạn hán khẩn cấp, tập trung ứng phó.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện ghi nhận khoảng 20.000 ha lúa miền Tây bị mất trắng do hạn mặn, chiếm khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh thành ở miền Tây phải công bố thiên tai.
Hà An