Ở Sài Gòn, người ta dễ tìm một chỗ ngồi uống cà phê, từ vỉa hè đến hàng quán sang trọng, trong những con hẻm ngoằn ngoèo đến những tòa chung cư xưa cũ. Có người ví von cà phê chung cư là một nét tính cách của Sài Gòn, một thành phố có hơn 300 năm hình thành và phát triển.
Khi đặt tiệm cà phê ở chung cư, người chủ mong muốn có giá thuê phù hợp, không gian yên tĩnh, riêng tư. Nhưng trên hết nó còn xuất phát từ tình yêu những điều cũ kỹ của thành phố hay muốn kết nối với người khác bằng sự thân thuộc, gần gũi trong một không gian vừa đủ.
Trần Lâm Anh Cương (46 tuổi) là chủ tiệm cà phê chung cư tại hẻm 19, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Anh yêu nhiếp ảnh và trong một lần đi chụp ảnh đường phố, anh phát hiện trong con hẻm 19 là một dãy chung cư cũ với những mảng tường dày, màu sơn vàng đậm dấu thời gian. Nhận thấy nơi này yên tĩnh, không gian đời thường, phù hợp cho việc sáng tạo nên anh chọn làm điểm dừng chân cho khách yêu nghệ thuật như nhiếp ảnh, phim ảnh, hội họa.
"Mình thích chụp ảnh nên muốn mở một tiệm nước nho nhỏ, vừa đủ và thân thuộc để kết nối với những bạn trẻ cùng yêu nhiếp ảnh, lập nên một nhóm chụp ảnh báo chí, đường phố, tư liệu với nhau để cùng học hỏi, chia sẻ kỹ năng", anh cho biết.
Khác với những quán cà phê có không gian rộng, dễ dàng bày biện bàn ghế, sắp xếp mọi thứ, tiệm cà phê của anh nằm trong một dãy chung cư cũ. Do không có người dân sinh sống xung quanh nên anh tận dụng mọi vị trí ở chung cư để làm chỗ ngồi cho khách, khi thì bắt hai hàng ghế dọc hành lang, khi thì một dãy ghế cao cạnh lan can để khách ngắm nhìn con hẻm 19 bên dưới. Anh cũng dọn một chiếc bàn dài trong phòng và đặt ghế ngoài giếng trời cho những ai cần làm việc yên tĩnh. Chính điều này lại là một điểm cộng lớn cho những vị khách thích sự gợi mở, không bị bó buộc vào một không gian kín như quán cà phê có phòng máy lạnh khác.
Chủ nhân một quán cà phê khác trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, anh Đồng Lâm Thanh Tùng (32 tuổi) ấn tượng với không gian xung quanh tòa chung cư cũ nơi anh mở quán. Đó là một nơi bắt trọn vẻ đẹp mái ngói đỏ son của hội quán Hà Chương hơn 200 năm tuổi, một công trình văn hóa có giá trị, tồn tại song song trong nhịp sống của cư dân người Hoa ở khu chợ Phùng Hưng, quận 5.
"Mình chọn mở quán tại đây vì thấy sự đặc biệt, để các bạn trẻ tìm hiểu thêm về công trình của người Hoa, về nơi các bạn đang sống và cảm nhận được cái hồn của TP HCM", anh Tùng cho biết.
Bạn Bảo Duy (19 tuổi), một người yêu thích nghệ thuật thường hay ghé các quán cà phê có không gian nhỏ, yên tĩnh để chơi ghita và làm bài tập cùng bạn. Duy thích không gian ở quán cà phê chung cư vì nơi này có sự riêng tư, cho cảm giác giống như ở nhà. "Nó không ồn ào như những quán cà phê dọc đường phố nên làm người khác cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng", Duy nói.
Dù được nhiều người yêu thích, nhưng cà phê chung cư cũng có mặt hạn chế nhất định. Theo ThS Phạm Đức Thắng, giảng viên bộ môn Kiến trúc, Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, những quán cà phê đặt trong các căn chung cư được xây dựng trước năm 1975 thường có tiêu chuẩn thiết kế đơn giản, chỉ đủ tính an toàn về mặt thoát người.
"Theo thời gian, đời sống xã hội nâng cao thì nhu cầu đảm bảo an toàn cho người sử dụng công trình cao hơn. Những quán cà phê chung cư đôi khi cũng gây nên sự xáo trộn về đời sống cho cư dân hoặc khu vực đó nếu có những hoạt động gây ồn ào, không phù hợp với giờ giấc sinh hoạt của cư dân. Tuy nhiên, tất cả đều tùy thuộc vào sự thỏa thuận và nhường nhịn của mỗi người", anh nói.
Cà phê chung cư hay bất kỳ quán cà phê nào khác tại TP HCM cũng đều phản ánh đời sống của thành phố này, khi năng động, hiện đại nhưng cũng cũ kỹ, trầm lặng. Không quá khi nói cà phê chung cư như một nét tính cách, ký ức của thành phố để những người cùng sở thích đến đó gặp gỡ, tìm chút bình yên cho tâm hồn.
Huỳnh Nhi