*Liverpool - Tottenham: 3h thứ Năm 17/12, giờ Hà Nội.
Cuối tháng trước, hai huyền thoại mang tính biểu tượng của World Cup đã qua đời. Một là Diego Maradona. Người kia là... Papa Bouba Diop của Fulham, Portsmouth và West Ham, vốn được nhớ đến nhiều nhất nhờ bàn thắng duy nhất trong chiến thắng gây sốc của Senegal trước Pháp ở World Cup 2002.
Tại sao bàn thắng duy nhất của Diop tại World Cup 2002 lại mang tính biểu tượng, dù nó không phải là một pha bóng kỹ thuật xuất sắc hay đóng vai trò then chốt của một trận đấu loại trực tiếp? Vì nó đến trong một thời điểm quan trọng mà bóng đá đang muốn khuếch trương để trở thành môn thể thao toàn cầu.
Số lượng người chơi bóng đá trên toàn cầu lớn hơn bất cứ môn thể thao nào, nhưng ở mức độ cao nhất, bóng đá vẫn chỉ là sân chơi riêng của châu Âu và Nam Mỹ. Trong lịch sử cả trăm năm, Cup Vàng chưa bao giờ thuộc về một đội tuyển bên ngoài hai châu lục kể trên.
Và đó là lý do trận mở màn World Cup 2002 có ý nghĩa quan trọng như vậy. Trước đó, Senegal được đánh giá như đội dự bị của Pháp, bởi những hảo thủ nào họ sản sinh ra đều chọn khoác áo Les Blues. Ví dụ như Patrick Vieira, người sinh ra ở Senegal nhưng chọn khoác áo mẫu quốc.
Tuy nhiên, Senegal đã chơi áp đảo nhờ kết hợp được khả năng tổ chức phòng ngự với tốc độ phản công nhanh của El Hadji Diouf để giành chiến thắng trước đối thủ đại diện cho thực dân vẫn còn cai trị đất nước họ đến năm 1960. Diop đã ghi bàn duy nhất từ cự ly gần.
Ngoài ý nghĩa biểu tượng của bàn thắng đó, hãy lưu ý đến địa điểm nó xuất hiện: thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là trận đấu đầu tiên của một vòng chung kết World Cup diễn ra ở châu Á, và cũng lần đầu tiên được tổ chức bởi hai nước đồng chủ nhà là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nó giống như một thế giới mới. Tất nhiên, đó chỉ đơn giản là một phần khác của thế giới. Và do đó, đây có lẽ là kỳ World Cup gần với nghĩa đại chúng nhất. Tâm điểm không phải là Pháp đang là ĐKVĐ thế giới và châu Âu, mà là kẻ yếu Senegal và Hàn Quốc. Cả hai đều tận hưởng những thành tựu ngoạn mục: Senegal cân bằng thành tích tốt nhất của một đội bóng châu Phi khi lọt vào tứ kết và Hàn Quốc tiến vào vòng bán kết.
Lúc đó, có hai cầu thủ, từ những nơi rất khác nhau trên thế giới, đã được truyền cảm hứng từ những màn trình diễn đó. Một người là Son Heung-min, mới chín tuổi vào năm 2002 và có điều kiện hoàn hảo để trải nghiệm cơn sốt World Cup. "Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp về World Cup 2002. Tôi đã xem các trận đấu trên tivi và nhớ là tất cả chúng tôi đã phát điên sau màn luân lưu 11m thắng Tây Ban Nha ở tứ kết. Chúng tôi không thể tin được", Son chia sẻ trước thềm World Cup 2018.
Người còn lại là Sadio Mane, khi đó 10 tuổi ở Senegal. "Lần đầu tiên tôi xem một trận đấu ở World Cup là năm 2002. Đó là lần đầu tiên Senegal vượt qua vòng loại World Cup và là khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi không thể quên. Trải nghiệm chứng kiến Senegal tham dự World Cup là nguồn cảm hứng để tôi trở thành một cầu thủ bóng đá", Mane nói.
18 năm trôi qua, Son và Mane sẽ đối đầu tối nay tại Anfield. Tất nhiên, họ đã từng đối đầu với nhau nhiều lần trước đây - Son đã ở Ngoại hạng Anh năm năm, còn Mane đã sáu năm. Nhưng, với việc Son đang phát triển thành một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc ở Ngoại hạng Anh 2020-2021, có lẽ chưa bao giờ có màn đối đầu Á - Phi nào chất lượng hơn thế.
Rất đáng ngạc nhiên bởi châu Á chiếm hơn một nửa dân số thế giới hiện tại nhưng lại có rất ít cầu thủ từng đạt đến trình độ như Son. Khi John Duerden, một phóng viên bóng đá châu Á nổi tiếng, được yêu cầu chọn ra những cầu thủ châu Á xuất sắc, ông đã đưa ra danh sách năm cầu thủ gồm Ali Daei, Park Ji-sung, Hidetoshi Nakata, Paulino Alcantara và Cha Bum-kun.
Có hai điều riêng biệt cần xem xét ở đây: tác động của họ ở châu Á và tác động của họ đối với bóng đá đỉnh cao. Lấy trường hợp của Ali Daei làm ví dụ. Đó là một huyền thoại của bóng đá châu Á và là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử bóng đá quốc tế (109 bàn cho đội tuyển Iran, nhiều hơn bảy bàn so với tổng số bàn thắng của Cristiano Ronaldo cho Bồ Đào Nha). Tuy nhiên, tác động của ông trong bóng đá đỉnh cao là rất ít. Năm mùa giải ở Bundesliga, ông chỉ ghi 19 bàn.
Nakata là một ví dụ khác. Chắc chắn đây là một biểu tượng bóng đá ở Nhật Bản nhưng ông chỉ có 18 tháng phong độ ổn định ở Perugia, vụt sáng rực rỡ ở AS Roma và sau đó biến mất.
Huyền thoại Alcantara của Barca là một trường hợp gây tò mò. Thứ nhất, ông đã rời Philippines khi ba tuổi và thường đá cho Tây Ban Nha. Thứ hai, đỉnh cao của ông rơi vào thập niên 1920, trước rất lâu những sự xuất hiện của các huyền thoại được ghi nhận nên cũng rất khó để so sánh.
Và điều đó có nghĩa là, sự cạnh tranh thực sự của Son là từ hai người đồng hương. Park Ji-sung là cầu thủ duy nhất đã đại diện cho một đội tuyển thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vô địch Champions League, và là một trong hai cầu thủ AFC ghi bàn trong ba kỳ World Cup.
Người còn lại, Cha, là một tiền đạo cực kỳ thành công ở Bundesliga trong thập niên 1980, giúp Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen thành công ở UEFA Cup.
Bất cứ khi nào Son, người cũng từng chơi cho Leverkusen, được hỏi về sự so sánh với bậc tiền bối, anh đều thể hiện sự khiêm tốn. "Tôi cảm thấy xấu hổ cũng như rất vinh dự", Son trả lời sau khi vượt qua số bàn thắng của Cha ở các giải đấu lớn tại châu Âu mùa trước.
Park và Cha có nhiều danh hiệu hơn trong lý lịch của họ, trong khi Son chưa giành được chức vô địch nào ở cấp CLB. Nhưng liệu họ đã đạt đến đẳng cấp cá nhân như Son?
Park là một cầu thủ hiệu quả nhưng không bao giờ chói sáng thực sự như Son. Cha được so sánh nhiều hơn, đặc biệt khi xem xét Son có tốc độ, khả năng rê bóng, kỹ thuật tuyệt vời và ngày càng xuất sắc trong ghi bàn.
Việc Son đứng thứ 22 trong cuộc bầu chọn Quả Bóng Vàng 2019 là thành tích cao nhất mà một cầu thủ của AFC đạt được - dù cho đến năm 1995, giải thưởng này vẫn chỉ dành cho các cầu thủ châu Âu, có nghĩa là một sự so sánh trực tiếp với Cha về mặt này không thể. Nhưng có lẽ đây là hai cầu thủ châu Á được tôn kính nhất trên đấu trường thế giới.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh của Mane với tư cách là cầu thủ châu Phi vĩ đại nhất xưa nay đáng kể hơn nhiều. Anh phải so đọ với Cầu thủ xuất sắc châu Phi bốn lần là Samuel Eto'o, với tiền vệ huyền thoại Yaya Toure, với Cầu thủ xuất sắc FIFA năm 1995 George Weah. Chưa hết, đó còn là Abedi Pele, Didier Drogba và Mohamed Salah - đồng đội của Mane ở Liverpool, người đã hai lần giành giải Cầu thủ xuất sắc châu Phi.
Nhưng hiện tại, theo kết quả thăm dò ý kiến của người hâm mộ Liverpool, Mane giành được nhiều tình cảm hơn so với Salah. Mane không quá giỏi ghi bàn nhưng đặc biệt xuất sắc trong kiến tạo, tranh chấp bóng, tạo đột biến.
Anh còn là một trong số rất ít cầu thủ của bóng đá thế giới có thể chơi từ cánh trái, cánh phải hoặc trung lộ với hiệu quả tương đương nhau. Son, tất nhiên, cũng có khả năng hoạt động rộng như thế.
Vậy, đã thực sự có bất kỳ cuộc đụng độ nào có thể so sánh được với màn đọ sức giữa Son và Mane hôm nay chưa? Cha chưa bao giờ đối đầu với một đội bóng châu Phi ở cấp độ quốc tế, và cũng không có cầu thủ châu Phi thực sự nổi tiếng ở Bundesliga trong thập niên 1980. Ông cũng không chạm trán với Roger Milla hoặc Rabah Madjer - hai huyền thoại của bóng đá châu Phi thời đại đó - ở các cúp châu Âu .
Park Ji-sung trước đây đã đối mặt Eto'o, Toure và Drogba, nhưng vai trò của anh thường là đá dự bị, vào sân và ghi bàn kết liễu trận đấu. Anh không có được vị trí chính thức như Son hay Yaya Toure ở Man City.
Do đó, đối đầu Son - Mane là một cái gì đó hoàn toàn khác nhau, vì họ được cho là những kẻ tấn công nguy hiểm nhất ở hai đội bóng của mình. Hôm nay, họ sẽ tái hiện cuộc đấu của hai đội đã có mặt trong trận chung kết Champions League 18 tháng trước và tình cờ bày tỏ sự tôn kính đối những con người của đội tuyển Hàn Quốc và Senegal ở World Cup cách đây 18 năm.
*Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh
*Kết quả Ngoại hạng Anh
*Bảng điểm Ngoại hạng Anh
Trâm Anh tổng hợp