Phim tài liệu Made in Senegal mới phát hành hé lộ nhiều góc khuất tuổi thơ khốn khó của Mane.
Từ một cậu nhóc lấy trái bưởi đắng làm bóng tới một trong những tiền đạo cánh hay nhất hành tinh là cả một hành trình dài. Cú sốc đầu tiên tới lúc Mane bảy tuổi, khi cha qua đời do bạo bệnh. Tiền đạo sinh năm 1992 kể: "Chúng tôi đang chuẩn bị chơi bóng thì một người họ hàng tìm tới và báo hung tin: Cha đã mất. Ban đầu, tôi nghĩ rằng anh ấy đùa tôi bởi tôi không thể hiểu được điều này".
"Từ khi tôi còn bé, cha luôn nói rằng ông ấy rất tự hào về tôi. Cha là người có trái tim nhân hậu và sự ra đi của ông ấy để lại ảnh hưởng rất lớn lên tôi và phần còn lại của gia đình. Tôi từng tự nhủ: 'Giờ mình phải cố hết sức để giúp mẹ'. Đó là một trách nhiệm không dễ dàng gì khi bạn còn quá trẻ".
Sinh thời, cha Mane là thầy tế tại một Thánh đường Hồi giáo địa phương. Gia đình Mane là những người sùng đạo tại Bambali và muốn con trai hoàn thành chương trình học để trở thành một giáo viên thay vì theo đuổi nghiệp bóng đá. Trong khi đó, bóng đá là giấc mơ của Mane để đổi đời.
Nhưng đó là một quyết định không hề dễ dàng, nhất là khi xung quanh không ai ủng hộ anh, ngay cả người nhà. Có lúc Mane nghĩ anh đang lãng phí thời gian bởi thành công trong bóng đá chỉ nằm trong trí tưởng tượng. "Nhưng trong thâm tâm, tôi biết rằng đó là cách duy nhất để mình thành công và giúp được gia đình", anh kể lại.
Lúc ấy, nơi duy nhất để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp không nằm ở Bambali hẻo lánh, mà tại thủ đô Dakar. Vì thế, năm 15 tuổi, Mane quyết định bỏ... nhà ra đi. Từ đêm hôm trước, anh giấu túi đồ trong lùm cây trước nhà rồi hôm sau dậy thật sớm, lẻn đi để không bị ai bắt gặp. Chỉ một người bạn thân biết kế hoạch. Mane đi bộ một quãng đường dài, vay tiền một người bạn khác để mua vé xe lên Dakar.
Cùng lúc đó, ở quê nhà, gia đình dáo dác truy tìm. Sau khi truy vấn được thông tin từ người bạn thân, cha mẹ gọi điện để bắt Mane về nhà. Nhưng anh vẫn cương quyết, và cuối cùng được chấp nhận thử sức với bóng đá khi hết năm học.
Khi thời cơ thực sự tới, Mane là một trong những người trông lạc lõng nhất trong khoảng 300 cầu thủ trẻ thử vận may. Anh mặc một chiếc quần trông chẳng liên quan tới quần bóng đá và đi một đôi giày rách, vá chằng vá đụp. Nhưng trong trận đấu thử tại học viện Generation Foot, Dakar, Mane toả sáng, ghi bốn bàn. Nhờ sự dìu dắt của nhà sáng lập học viện Mady Toure, Mane ngày càng tiến bộ. Năm 2011, anh được CLB Metz của Pháp chiêu mộ và bắt đầu chuyến phiêu lưu tại châu Âu.
Sau một mùa hè toả sáng tại Olympic 2012 và giúp tuyển trẻ Senegal vào tứ kết, Mane sang Áo chơi cho Red Bull Salzburg. Những bước thăng tiến của anh ngày càng vững chắc khi lần lượt gia nhập Southampton năm 2014 rồi Liverpool từ 2016. Hiện tại, Mane là một trong những cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh nói riêng và thế giới nói chung.
Tại Liverpool, Mane đã vươn tới những nấc thang mới trong sự nghiệp. Anh tạo nên mũi đinh ba nguy hiểm trên hàng công cùng Mohammed Salah và Roberto Firmino, giúp đội bóng hai năm liền vào chung kết Champions League và một lần vô địch. Tại Ngoại hạng Anh mùa giải 2018-19, Mane là đồng Vua phá lưới cùng Aubameyang và Salah với 22 bàn mỗi người. Thành tích ấn tượng trên giúp Mane đứng thứ tư trong cuộc bình chọn Quả Bóng Vàng châu Âu và thứ năm trong danh sách "The Best" năm 2019 của FIFA.
Tới đầu năm 2020, Mane được vinh danh với giải thưởng "Cầu thủ hay nhất châu Phi". Cho tới trước khi trái bóng ngừng lăn do dịch Covid-19, Mane cùng các đồng đội vẫn đang một mình một ngựa trên con đường tới chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên. Tất cả thành tựu đó đều tới dưới trướng Klopp. Nhưng HLV người Đức cũng phải thừa nhận ông từng có ấn tượng không tốt trong lần đầu gặp cậu học trò sinh năm 1992.
Klopp nói trong bộ phim tài liệu về Mane: "Tôi vẫn nhớ lần đầu gặp Sadio tại Dortmund. Chàng trai trẻ này ngồi một chỗ với chiếc mũ đội lệch và mái tóc có đường màu vàng. Cậu ta trông như một rapper mới bắt đầu sự nghiệp. Tôi tự nhủ: 'Mình không có thời gian cho những người như thế này'. Lúc ấy, đội hình của tôi không đến nỗi tệ. Tôi cần một cầu thủ chấp nhận việc không được đá chính ngay từ đầu, một người mà tôi có thể phát triển. Tôi vẫn tin mình có mắt nhìn người khá tốt, nhưng tôi đã sai trong trường hợp này. Tôi theo dõi sự nghiệp thành công của Sadio tại Salzburg rồi Southampton".
Sau khi trực tiếp chứng kiến màn trình diễn của Mane trước Liverpool, Klopp hoàn toàn bị thuyết phục. Liverpool dẫn trước Southampton 2-0 trong giờ nghỉ, trước khi Mane vào sân và ghi hai bàn để đảo ngược cục diện. Mùa hè 2016, Mane cập bến Anfield với mức phí 34 triệu bảng.
Trái với vẻ ngoài ăn chơi theo phong cách rapper như Klopp mô tả, Mane ở ngoài đời không sống theo phong cách của một triệu phú đá bóng. Năm 2018, anh tới Thánh đường Hồi giáo tại Liverpool vài giờ sau trận thắng Leicester để giúp dọn nhà vệ sinh. Sadio đã chủ động đề nghị các nhân viên ở Thánh đường không gửi video về anh ra ngoài, vì anh không muốn làm hình ảnh và không phải một người muốn lấy lòng CĐV. Sadio có một chiếc Bentley, nhưng thường đến đó bằng một chiếc xe bình thường.
Tờ AS dẫn lời Sadio Mane trả lời phỏng vấn một tờ báo châu Phi: "Tại sao tôi lại cần tới 10 chiếc xe Ferrari, 20 đồng hồ kim cương hay hai chiếc máy bay? Những thứ đó có thể làm gì cho tôi và thế giới này? Tôi từng trải qua thời gian khó khăn với cái bụng lép kẹp, chơi bóng chân trần và thiếu thốn đủ đường. Nhưng với những gì tôi có được ngày nay nhờ bóng đá, tôi có thể giúp cộng đồng của mình".
Quê nhà Mane là nơi Ngân hàng Thế giới ước tính có đến 70% hộ gia đình sống trong nghèo đói. Cha anh từng qua đời do không có bệnh viện để chữa trị, trong khi em gái anh cũng phải chào đời tại nhà. Đó là lý do mới đây Mane đã xây một bệnh viện tại quê nhà, vì "muốn mang lại cho mọi người hy vọng". Một năm trước đó, Mane cũng đóng góp tiền để xây trường tại mảnh đất anh lớn lên. Khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Mane nhanh chóng gửi 40.000 bảng Anh cho chính phủ Senegal ủng hộ cho công tác chống dịch.
Vốn là một người không muốn làm rùm beng các hoạt động thiện nguyện, nhưng Mane vẫn chấp nhận tham gia bộ phim tài liệu Made in Senegal để có thêm nhiều người biết về quê hương mình hơn. Anh nói trên Telegraph: "Bóng đá là công việc chính của tôi, nhưng đôi lúc mọi thứ không chỉ xoay quanh trái bóng. Tôi nghĩ rằng chúng tôi là những hình mẫu và việc giúp đỡ người khác là rất quan trọng. Tôi rất muốn người hâm mộ được thấy ngôi làng nơi tôi lớn lên và nhận ra rằng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thực sự tin vào bản thân".
Bộ phim ghi lại cảnh Mane chia sẻ với các thanh thiếu niên trước ngôi trường mới được xây. Tiền đạo Senegal nói trong phim: "Giáo dục chính là chìa khoá. Các em cũng nên ở trong tình trạng sức khoẻ tốt trước khi đi làm, do vậy hãy cùng nhau hoàn tất bệnh viện nào".
Anh tâm sự thêm: "Nếu có một ngôi trường tốt hơn khi còn bé, có lẽ tôi đã được học nhiều hơn. Ngày nay, mọi cậu nhóc đều muốn đá bóng và trở thành một cầu thủ như tôi hơn là đến trường. Nhưng tôi luôn nhắc chúng cần phải đến trường và trang bị đủ kiến thức. Dĩ nhiên chúng có thể chơi bóng, nhưng học hành sẽ giúp bạn thành công hơn trong lĩnh vực của mình. Khi tôi nhìn vào những người đồng bào, tôi tự nhủ: 'Mình cần phải chăm chỉ hơn vì họ'".
Sadio Mane có thể chưa giành được Quả bóng Vàng, nhưng trong mắt người dân Senegal, anh là người có trái tim Vàng.
Thịnh Joey