Năm 2024, Việt Nam có 15 ngân hàng lọt vào bảng xếp hạng này. Sacombank lần đầu vào danh sách năm 2020 ở thứ hạng 422. Sau 5 năm, nhà băng tăng 100 hạng. Theo đơn vị, kết quả này thể hiện nỗ lực trong việc đầu tư, cải tiến mô hình quản trị, kinh doanh theo xu hướng công nghệ, từ đó mang đến những trải nghiệm gắn liền với thói quen, nhu cầu.
Theo Brand Finance, một trong những trụ cột chính tạo nên sức mạnh thương hiệu đến từ niềm tin khách hàng. Đi cùng là sự quyết liệt của doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết, hoàn thành mục tiêu chiến lược. Đáp ứng điều này, trong hành trình phát triển Sacombank đi theo phương châm "Khách hàng là trọng tâm", ứng dụng công nghệ vào phục vụ người dùng.
Nhà băng chú trọng cá nhân hóa sản phẩm, xây dựng nền tảng kỹ thuật nhằm tối ưu trải nghiệm sử dụng dịch vụ. Đơn vị tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Riêng năm 2023, trước tình hình khó khăn chung của hầu hết doanh nghiệp, Sacombank dành hơn 56.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 3%. Ngân hàng đồng thời tư vấn phương án gỡ khó, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại lễ công bố bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 (VNR500) ngày 18/1 năm nay, Sacombank vào "Top 50 doanh nghiệp xuất sắc Việt Nam". Đây là năm thứ 12 liên tiếp đơn vị nhận giải thưởng này.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 674.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Tổng huy động hơn 578.000 tỷ đồng, tăng 11,3%; trong đó chú trọng tăng tiền gửi CASA 8,8%. Tỷ lệ CAR hợp nhất 9,11%, tỷ lệ LDR đạt 82,77%, tỷ lệ NIM 3,9%. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt 1,22% và 18,30%, tương ứng tăng 0,31 và 4,47%. Nhà băng hiện phục vụ hơn 18 triệu khách hàng.
Ngân hàng cũng vừa được EY Việt Nam trao chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo BASEL III, áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn quản lý rủi ro ở cấp độ cao. Song song, nhà băng có nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững.
Minh Huy