Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III, theo đó lãi sau thuế đạt gần 509 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Đại diện Sacombank cho biết, nhờ dư nợ cho vay tăng hơn 15.000 tỷ nên khoản thu từ lãi cũng tăng 271 tỷ trong quý III. Sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng này lãi sau thuế gần 1.700 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012.
Chi phí hoạt động của Sacombank sau 9 tháng tăng so với năm ngoái, chủ yếu do các khoản chi cho nhân viên tăng. Đến hết quý III, Sacombank có hơn 10.500 nhân viên. Tính toán từ báo cáo tài chính hợp nhất, thu nhập bình quân (gồm lương, phụ cấp) của mỗi nhân viên Sacombank ước tính 16,9 triệu đồng một tháng. Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Huy Khang khẳng định Sacombank sẽ giữ chính sách không cắt giảm nhân sự cũng như lương, phụ cấp của nhân viên. "Tuy nhiên, mức 16,9 triệu đồng chỉ là thu nhập bình quân và trong một ngân hàng, mức độ phân hóa về thu nhập giữa các vị trí khá lớn", ông Khang giải thích thêm.
Đến cuối quý III, phần chi lương và quyền lợi cho ban tổng giám đốc lũy kế đạt 34,5 tỷ đồng, tăng 15,7 tỷ đồng so với cuối quý II. Cuối quý I, ban điều hành nhận 11,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập của Hội đồng Quản trị trong quý III lại giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ còn 25 tỷ đồng.
So với mặt bằng chung toàn ngành, Sacombank có tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng (hơn 13%) với tổng dư nợ gần 110.000 tỷ đồng. Vốn huy động từ dân cư cũng tăng hơn 19%. Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, tín dụng tăng trưởng mạnh có đóng góp không nhỏ từ cho vay khách hàng cá nhân. Theo vị này, tín dụng cho cá nhân tăng so với các kỳ trước, đóng góp 45% tổng dư nợ của cả ngân hàng. Ngoài ra, theo đánh giá của ông, vốn của Sacombank đẩy ra cho nền kinh tế có thể tăng 18%.
Hết quý III, Sacombank có hơn 2.500 tỷ nợ xấu (chiếm 2,25% tổng dư nợ). Lãnh đạo Sacombank từng chia sẻ đang nộp hồ sơ bán hơn 1.000 tỷ nợ xấu cho Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản (VAMC). "Chúng tôi đang làm thủ tục nhưng dự kiến đợt đầu sẽ bán trước khoảng 800 tỷ đồng", Tổng giám đốc Sacombank nói.
Cuối tháng 9, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ triển vọng tín nhiệm của Sacombank cùng Techcombank từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực". "Triển vọng tiêu cực được chúng tôi đưa ra dựa trên chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng của Sacombank, vì điều này có thể gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát rủi ro nội tại, kéo theo đó là chất lượng tài sản và mức vốn hoá sẽ giảm sút", đại diện S&P lý giải. Cổ tức dự kiến chia cho cổ đông ở mức cao cũng là lý do khiến S&P quan ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng này.
Thanh Thanh Lan