Tác giả viết về tiếng Pháp, Tây Ban Nha, và các ngôn ngữ "kín tiếng" hơn như Malay, Javanese, Bengali... Trong chương đầu, Dorren cho biết chuyện học tiếng Việt của ông tại Hà Nội với cô giáo Loan. Tác giả ban đầu chọn học tiếng Việt vì bảng chữ cái Latin quen thuộc hơn so với tiếng Hàn, Hindi. Tuy nhiên sau khi học, Gaston Dorren nhận ra "tiếng Việt là ngôn ngữ dành cho người có đôi mắt tinh nhạy" vì có sáu dấu thanh - ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng, thêm hai dấu phụ "đ" và "ơ". Vì thế, người học ngoài ghép đúng âm tiết, phải kết hợp ngữ điệu của dấu thanh khi phát âm. Là người châu Âu, nhà ngôn ngữ học "chịu thua" sau hơn một năm miệt mài luyện tập. Ông nói: "So với tiếng Việt, tiếng Pháp trông vẫn còn đơn sơ và mộc hơn". Tác giả cũng bối rối vì tiếng Việt có nhiều từ xưng hô, tùy theo vai vế, độ tuổi.
Ông cho rằng nếu muốn nói lưu loát tiếng mẹ đẻ của phân nửa dân số thế giới, con người cần hiểu 20 thứ tiếng. Từ đó, tác giả nảy sinh ý định viết sách, nghiên cứu từng ngôn ngữ, bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mỗi quốc gia. Quyển sách giúp người đọc tiếp xúc nhiều nền văn hóa như châu Á - Nhật Bản, Hàn Quốc, hay vùng Đông Phi với đa ngôn ngữ.
Mỗi ngôn ngữ có đặc điểm riêng - gắn liền với tiến trình phát triển của quốc gia. Tiếng Swahili là ngôn ngữ chung của một số nước châu Phi - Tanzania, Uganda, Rwanda, nhờ phát triển giao thương. Sau đó, ngôn ngữ này phổ biến hơn cả tiếng mẹ đẻ ở vài quốc gia. Dorren còn đánh giá cao vai trò văn hóa của tiếng Tamil trong lịch sử của Sri Lanka. Vào năm 1956, đất nước thực thi chính sách một quốc ngữ Sinhala, khiến người Tamil gốc Ấn, Sri Lanka và người Moors bất bình. Sau nhiều năm đấu tranh, tiếng Tamil được công nhận là ngôn ngữ quốc gia năm 1987.
Ở chương cuối, sách đề cập tiếng Anh "thống lĩnh" thế giới với 1,5 tỷ người sử dụng (số liệu năm sách phát hành - 2018). Trong những năm 1400, ngôn ngữ này gói gọn trong nước Anh, chưa được phổ biến. Sau nhiều biến cố lịch sử, tiếng Anh đến với nước Mỹ, phát triển rực rỡ nhờ các ảnh hưởng văn hóa đại chúng, kinh tế của cường quốc số một thế giới. Tiếng Anh có thể là đỉnh của tháp Babel - khi các dân tộc có một tiếng nói chung.
Theo npr, Dorren tiếp cận ngôn ngữ dưới phương pháp khoa học, phân tích ngữ pháp, bảng chữ cái, từ mượn, từ cho nước khác vay và sắc thái ngôn ngữ vùng miền. Tuy nhiên, sách không khô khan nhờ các câu chuyện, như cách tác giả chật vật học tiếng Việt, chính trị phức tạp của Thổ Nhĩ Kỳ. Trên Goodreads, một số độc giả hy vọng sách sẽ mạch lạc hơn, do 20 chương được viết độc lập, chưa có sự kết nối.
Gaston Dorren là nhà ngôn ngữ học người Hà Lan, nói được tiếng Limburg, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha. Ông có một số sách về ngôn ngữ đã xuất bản là: New Tongues (1999), Language Tourism (2012), A linguistic staycation (2016). Cuốn Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ được viết bằng tiếng Anh, sau đó chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng. Tác giả còn là người diễn thuyết, với các chủ đề về rèn luyện ngôn ngữ. Ông có trang blog Language Writer - nơi bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm của người học nhiều thứ tiếng.
Quỳnh Quyên