Theo tác giả, từ cuối thế kỷ 19 đến đầu 20, để phục vụ quá trình xâm lược, khai thác và cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã du nhập y học phương Tây vào Bắc Kỳ.
Từ những cơ sở y tế ban đầu phục vụ đội quân viễn chinh như trạm cứu thương, bệnh xá, bệnh viện quân sự, cơ cấu của một ngành y tế hiện đại gồm các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo y khoa, khám chữa bệnh, phòng ngừa dịch bệnh và nghiên cứu y học dần được thiết lập. Song song đó, đội ngũ nhân lực y tế châu Âu và người bản xứ cũng lần lượt xuất hiện, tham gia hoạt động chuyên môn.
Việc thiết lập này giúp người Việt lần đầu tiên được tiếp xúc, ứng dụng và thụ hưởng những thành tựu tiên tiến của khoa học kỹ thuật thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Tác giả cho biết khi làm luận án tiến sĩ, phát hiện có rất ít công trình nghiên cứu về chủ đề y học. Càng tìm hiểu, Bùi Thị Hà chú ý các thông tin, dữ liệu thu thập, từ các nguồn lưu trữ trong nước, ở Pháp, các "tư liệu sống" của Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, các cơ sở y tế.
Theo tác giả Bùi Thị Hà, tìm hiểu y tế phương Tây ở Bắc Kỳ thời kỳ 1873-1945 có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Bắc Kỳ, lịch sử y tế Việt Nam thời cận đại, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế, thúc đẩy hoạt động đào tạo y khoa hiện nay.
Tiến sĩ Bùi Thị Hà hiện công tác tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chị từng được trao giải Nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2020 cho luận án "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945".
Các nội dung nghiên cứu của tác giả hiện tại gồm: Y tế phương Tây ở Trung Kỳ và Nam Kỳ, Hệ thống Viện Pasteur ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Đông - Tây y kết hợp ở Việt Nam: lịch sử và hiện tại.
>> Hình ảnh "Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ (1873-1945)" trong phụ lục
Tân Cao