Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng là kịch bản văn học của phim Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Vân Long. 25 năm sau khi bộ phim ra đời, kịch bản được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản thành sách, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bản thảo đầu của tác phẩm được giới thiệu năm 1978, có tên Con đường năm ấy. Đây là kết quả của quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời vị lãnh tụ của nhà văn Sơn Tùng. Vì vài lý do, tác phẩm không được chuyển thể thành phim, nhưng không vì thế mà Sơn Tùng gác lại tâm huyết. Năm 1981, dựa trên những tư liệu trong Con đường năm ấy, cùng thông tin thu thập được, nhà văn viết tiểu thuyết Búp sen xanh. Tuy nhiên, theo tác giả, tác phẩm này vẫn chưa lột tả hết tình cảm của Nguyễn Tất Thành với cô gái Lê Thị Huệ. Khi các nhà làm phim đề nghị ông viết một kịch bản phim kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, nhà văn đã chuyển thể Búp sen xanh thành Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng.
Cuộc chia ly trên bên Nhà Rồng khắc họa nhân vật Hồ Chí Minh ở tuổi đôi mươi. Tác phẩm mở ra với hình ảnh chàng sinh viên Nguyễn Tất Thành ôm cặp tan trường Quốc học. Trong bộ áo học trò, chàng trai không ngừng suy nghĩ về vận nước, những hình ảnh vua phải đi đày, các chí sĩ yêu nước lên máy chém, dân sống trong cảnh mất nước, lầm than. Đan xen là hồi ức về gia đình, tuổi thơ, xuất xứ, thân thế của Nguyễn Tất Thành. Hành trình từ Huế tới Phan Thiết dạy học rồi vào Sài Gòn, tìm cách ra nước ngoài học hỏi tinh hoa được khắc họa.
Trong hành trình ấy, tác giả miêu tả một Tất Thành lúc nào cũng nung nấu ý chí tìm con đường riêng giúp dân giúp nước. Ngay từ trang đầu sách, Tất Thành khóc vì hiệu trưởng trường mắng học trò là "dân nô lệ". Anh tâm sự với bạn: "Tôi thấy nhục quá. Cứ nghĩ tới là đau thắt ruột, không cầm được nước mắt cô Huệ ạ". Thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, Tất Thành tiếp xúc với các nhà nho yêu nước, nhưng anh không hoàn toàn tán thành phương pháp của một số người. Lúc đó, anh đã thấy "cần quyết định con đường đi của riêng mình".
Bên cạnh khắc họa lòng yêu nước, ý nguyện sắt đá giúp dân, giúp nước, Cuộc chia ly trên bên Nhà Rồng còn kể về tình cảm của Lê Thị Huệ (Út Huệ) với Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy nhen lên từ khi Nguyễn Tất Thành còn là học trò Quốc học Huế. Trong cuộc tiễn biệt trên bến Nhà Rồng, với tâm thế một chàng trai ra đi vì nghĩa cả, Nguyễn Tất Thành đã trao tình cảm trong sáng, sâu nặng cho Út Huệ: "Chiếc lược này là của mẹ anh. Nó là kỷ vật cha anh sắm cho mẹ lúc vào kinh đô thi Hội. Mẹ anh chải tóc bằng cái lược này qua nhiều năm tháng. Ngày mẹ anh qua đời, anh cất giữ cái lược bên người cho tới hôm nay. Anh trao em cái lược này thay cho tiếng lòng thiêng liêng mà em hằng chờ đợi".
Trong sách Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng có in phần phụ lục kể chuyện nhà văn Sơn Tùng đi tìm người phụ nữ có tên Út Huệ. Trong lần tiếp xúc với chị gái Hồ Chí Minh, nhà văn được nghe bà nhắc tới cô Huệ như một người bạn thân thiết của Tất Thành: "Cô Huệ thương cậu Thành... Cậu như con chim bằng còn muốn cất cánh bay xa". Bởi câu nói đó mà nhà văn cất công vào Nam, ra Bắc, lặn lội và tìm cô Huệ trong đời thực.
Nhà văn Sơn Tùng chia sẻ trong sách: "Không phải do một sự ngẫu nhiên một sự tình cờ, mà từ lòng kính yêu Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn đã dẫn tới việc tôi cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh niên thiếu của Hồ Chủ tịch... Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác".
Lam Thu