Sách gồm năm chương, phần đầu khái quát đặc điểm, tính chất nghi lễ thờ cúng. Chương hai đi cụ thể vào lễ tôn bát hương, lễ chuyển bàn thờ, tạ mộ, lễ giỗ họ. Cách thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo, cúng giao thừa, tất niên được tác giả nêu trong chương ba: Nghi lễ thờ cúng tại gia theo lễ tiết trong năm.
Ở chương tiếp theo, nhà nghiên cứu liệt kê nghi lễ theo vòng đời người: thôi nôi, cưới hỏi, mừng thọ. Ngoài việc hướng dẫn các nghi thức, trong chương năm, cuốn sách đưa ra những lưu ý cho bạn đọc khi thờ cúng, cách xử lý một số tình huống như: bát hương hóa (cháy), lau dọn bàn thờ và chăm sóc bát hương, gieo quẻ âm dương, những điều kiêng kỵ nên tránh.
Tác giả giúp người đọc trả lời các câu hỏi dịp Tết đến như: Chuẩn bị đồ ăn cúng ra sao? Nên thắp mấy nén hương? Như thế nào là mâm ngũ quả đạt chuẩn?
Theo đó, các món mặn là lễ vật không thể thiếu. Sách viết: "Đó là những món ăn quen thuộc như thịt gà luộc, giò, chả, nem, canh măng miến, thịt kho, cá kho. Các lễ vật này biểu trưng cho sự đủ đầy, sung túc của mái ấm gia đình và để cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tới. Ngoài ra, món ăn do con cháu dâng ông bà, tổ tiên ngày giỗ, Tết còn có một ý nghĩa là gợi nhắc món ăn một thời gian khó hoặc món ăn khi còn sống ông bà, cha mẹ ưa thích".
Tác giả Quách Trọng Trà hướng dẫn độc giả chuẩn bị lễ vật cúng đêm giao thừa: "Đối với mâm cúng ngoài trời, gia chủ nên dùng ngũ hoa, nến, nếu chuẩn bị được xôi (gấc), chè (đậu xanh, đậu hoặc hạt sen) thì càng thêm long trọng. Đối với mâm cúng trong nhà, gia chủ có thể chuẩn bị mâm cỗ riêng gồm gà luộc, giò chả, bánh chưng, hoa quả, kẹo, rượu, nước trong, trầu cau. Lưu ý, mâm lễ cúng giao thừa ở ngoài trời (hoặc trong) của người Việt ở Bắc Bộ theo lệ phải có con gà trống hoa để nguyên con, vì gà trống hoa biểu thị cho tiếng gáy sáng, bình minh, cho dương, cho ánh sáng để xua đuổi âm, bóng tối, đón năm mới".
Từ chương hai, nhà nghiên cứu hướng dẫn cách thực hiện từng nghi lễ theo ba phần. Ông nêu ý nghĩa của nghi thức, lễ vật cần chuẩn bị, các bước tiến hành phù hợp với đặc điểm từng vùng miền. Các bài văn khấn, văn lễ cổ truyền của cha ông vốn là tài liệu đã có từ lâu, sử dụng từ cũ, từ Hán Việt. Tác giả soạn lại với lối hành văn hiện đại, thuần Việt nhưng vẫn đảm bảo nội dung cốt lõi. Qua đó, cuốn sách giúp bạn đọc, nhất là giới trẻ, sử dụng thành thạo văn khấn bằng tiếng mẹ đẻ, làm tăng sự trịnh trọng và thành tâm khi tự mình dâng lễ tổ tiên, ông bà.
PGS.TS Bùi Xuân Đính nhận xét: "Tác giả chủ ý đưa người đọc tìm hiểu tục thờ cúng dưới dạng thực hành nên cuốn sách có sức hấp dẫn, thu hút nhất định. Những thông tin được đưa ra đều giúp độc giả hiểu bản chất nghi lễ và thực hành nghi lễ theo hướng dẫn như phân biệt giữa vái và lạy, cách khấn khi vào từng địa điểm, di tích".
Tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà tốt nghiệp cử nhân văn học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Từ năm 1996 đến nay, anh tập trung nghiên cứu, thực hành nghi thức thờ cúng của người Việt, đồng thời hướng dẫn các việc liên quan đến đời sống tâm linh.
Châu Anh