Trái với lý tưởng tình yêu trường tồn vĩnh cửu, Osho cho rằng tình yêu tuân theo quy luật vũ trụ - không ngừng phát triển, thay đổi. Tình yêu tựa hoa hồng khoe sắc, rồi lại tàn. Vì thế, mọi người nên giữ tâm thế an nhiên, đợi chờ nụ hoa mới sắp nở. Thông tỏ quan niệm này, con người sẽ ít đau khổ, không sợ hãi khi kết thúc một mối quan hệ và sẵn sàng đón chào tình yêu mới. "Bạn biết rằng hôm nay bạn bên nhau, nhưng ngày mai bạn có thể sẽ phải chia xa. Với sự hiểu biết, tình yêu có thể trở thành mối quan hệ trọn đời, nhưng hãy nhớ rằng nó không bất biến", Osho viết.
Tình yêu đích thực cần sự tự do - tôn trọng không gian riêng. Vì thế, theo tác giả, con người cần học cách sống độc lập, không để ai quyết định số phận của mình. Khi tự chủ về xúc cảm, con người đủ bản lĩnh để cùng chia sẻ, đi sâu vào suy nghĩ của người thương, đạt đến sự đồng điệu trong tâm hồn. Triết gia so sánh mỗi cá thể tựa một loại nhạc cụ, kết hợp, nâng đỡ nhau để hòa âm ra những giai điệu tuyệt đẹp.
Osho chỉ ra niềm vui khi yêu: khám phá tâm thức lẫn nhau. Mỗi cá nhân cần nỗ lực chạm đến khía cạnh tính cách mới mẻ, nhìn sâu vào thế giới nội tâm của người yêu - vốn thay đổi mỗi ngày. Đôi mắt thường "bám đầy bụi" của những phán đoán cũ kỹ, nên không thể phản chiếu chính xác tâm hồn của người khác. Vì thế, con người cần mở rộng góc nhìn, dùng trái tim cởi mởi để tiếp tục cuộc phiêu lưu tình yêu.
Ông còn cho rằng mối quan hệ của bậc sinh thành có thể ảnh hưởng đến cách yêu thương của con. Nếu cha - mẹ không hạnh phúc trong hôn nhân, thế hệ sau thường sợ hãi, lo lắng trước tình yêu. Trong quá trình trưởng thành, chúng mất dần sự hồn nhiên, luôn khao khát được yêu, dễ dẫn đến một tình yêu vụ lợi - luôn nhận lại, nhưng ít cho đi.
Các quyển sách của Osho được ghi chép từ các buổi nói chuyện. Mỗi sáng và tối, ông gặp gỡ các thành viên cộng đồng Osho, đưa lời khuyên cho họ. Với Yêu, người viết thuật lại những khó khăn của các cặp đôi và đưa ra cách gỡ rối. Ví dụ, ông giải đáp vì sao chàng trai cảm thấy không còn phấn khích, vui vẻ, hay giảng giải con người nên tập đối mặt nỗi đau để trưởng thành.
Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, mất ở tuổi 59. Ông ra mắt hàng nghìn băng ghi âm và video triết lý và tín ngưỡng - sau này được ghi lại thành sách, dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới. Ông được biết đến rộng rãi với phương pháp thiền động của Osho (active meditation) giúp giải tỏa căng thẳng, trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.
Quỳnh Quyên