Tiểu thuyết do Châu Hải Đường biên dịch, lần đầu phát hành tại Việt Nam vào tháng 6. Tác phẩm xoay quanh lịch sử phát triển và suy vong của Thái Bình thiên quốc (1851-1864) - nhà nước tôn giáo thần quyền trong lịch sử Trung Quốc. Nhà nước hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu, vào giữa thế kỷ 19.
Nhà văn Hoàng Thế Trọng (1872 - 1913) sáng tác Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa trong ba năm, từ 1895 tới 1898. Theo Sina, ông từng gặp và nói chuyện với những người trực tiếp tham gia phong trào khởi nghĩa, vì thế tác phẩm được cho có độ xác thực về sự kiện lịch sử.

Bìa cuốn "Thái Bình thiên quốc diễn nghĩa", do công ty Văn hóa Đông A và NXB Hội nhà văn liên kết xuất bản. Ảnh: Đông A
Nhà văn khái quát, biên tập lại các câu chuyện quan trọng trong cuộc cách mạng Thái Bình thiên quốc đồng thời áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, làm sống dậy loạt nhân vật lịch sử Hồng Tú Toàn, Tiền Giang, Phùng Vân Sơn, Lâm Phượng Tường, Trần Ngọc Thành.
Tuy khắc họa sự kiện chính xoay quanh lịch sử của Thái Bình thiên quốc, tiểu thuyết miêu tả khách quan phía đối lập - triều đình nhà Thanh, trên tinh thần tôn trọng lịch sử. Vì vậy, cuốn sách giữ vị trí quan trọng trong tiểu thuyết cận đại Trung Quốc.
Hoàng Thế Trọng tên thật Hoàng Tiểu Phối, là nhà tuyên truyền, nhà cách mạng tư sản đồng thời là nhà báo, tiểu thuyết gia. Ông còn là tác giả của các cuốn sách Đại mã biển, Trấp tải phồn hoa mộng, Đảng nhân bi, Hoạn hải thăng trầm lục.
Dịch giả Châu Hải Đường 49 tuổi, am hiểu Hán văn cổ và hiện đại. Anh từng biên dịch các cuốn Đường Tống truyền kỳ, An Nam truyện, Phù sinh lục ký, Đông Chu liệt quốc liên hoàn họa, Hán Sở diễn nghĩa, Việt kiệu thư.
Nghinh Xuân