Sách Người lính phi công kể chuyện khắc họa trí tuệ, bản lĩnh của người lính Không quân Nhân dân Việt Nam, tình đồng đội, những hy sinh và sự khốc liệt của chiến tranh.
Nội dung được chia làm hai phần: Hành trình trở thành phi công của Nguyễn Công Huy và đồng đội, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm. Không chỉ miêu tả chi tiết các cuộc chiến, sách còn mang tới góc nhìn, suy nghĩ, cảm xúc của người lính, đưa độc giả vào thế giới tàn khốc nhưng vẫn chứa đựng tình yêu và hy vọng.
Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm Nguyễn Công Huy rời làng quê và trường phổ thông để nhập ngũ. Anh là một trong số các chiến sĩ được cử đi Liên Xô học lái máy bay chiến đấu. Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống học tập nơi xa xứ, các học viên bay trẻ tuổi đồng lòng quyết tâm làm chủ máy bay và bầu trời, tôi luyện ý chí để trở về quê nhà chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Phần sau là không khí chiến đấu của những phi công tiêm kích Việt Nam, đặc biệt là đội bay đêm. Qua lời kể của tác giả Nguyễn Công Huy, sách phác họa sự ác liệt trên bầu trời miền Bắc khi lực lượng không quân tiêm kích non trẻ đối đầu không quân Mỹ.
Từng chuyến xuất kích, từng cuộc chạm trán trên bầu trời cho thấy phi công máy bay tiêm kích phải đối mặt nhiều nguy hiểm: "Chiến trường trên không không có chiến hào, máy bay chỉ bay tiến, không biết dừng, không biết lùi. Bầu trời mênh mông không có nơi ẩn nấp".
Tác giả viết về điều kiện chiến đấu khi đó: "Cất cánh khó khăn một thì hạ cánh khó khăn gấp mười. Đường băng bị đánh hỏng, vỡ nát và đầy hố bom xung quanh không biết sẽ lao xuống đó lúc nào. Trong mưa gió mịt mùng, phi công phải tìm cách hạ cánh mà không hề có hệ thống đèn chiếu sáng, không có chỉ huy".
Trong thời gian chiến dịch, các phi công bay đêm vẫn quyết tâm cất cánh bằng mọi giá để tiêu diệt B-52: "Có nhiều chuyến xuất kích chiến đấu, khi cất cánh lên đã biết lúc về sẽ không thể hạ cánh nổi vì thời tiết rất xấu, có thể sẽ phải bỏ máy bay, nhảy dù. Thế nhưng, không một ai chùn bước, vẫn đưa được máy bay lên trời, vẫn đi chiến đấu".
Trong 12 ngày cuối năm 1972 (18-29/12), quân đội Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, lập nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nhờ vậy, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chiến dịch thắng lợi nhờ sự đóng góp lớn của Lực lượng Không quân Tiêm kích thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Từng chiến công tiêu biểu của những anh hùng bắn rơi B-52 như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều lần lượt được tác giả kể lại với nhiều cung bậc cảm xúc.
Tác giả Nguyễn Công Huy sinh năm 1947 tại Thường Tín, Hà Nội. Ông là cựu phi công tiêm kích MiG-21 của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ. Nguyễn Công Huy là một trong các phi công MiG-21 được đào tạo tại Liên Xô từ năm 1965, sau đó về nước tham gia lực lượng Không quân Tiêm kích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thanh Giang