Cuốn sách gồm 23 chương, tổng hợp nội dung các buổi diễn thuyết của Krishnamurti với các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường ở khắp nơi trên thế giới. Tác giả đặt ra vấn đề ngay từ khi bước chân vào trường học, từ những tác nhân vô hình hay hữu hình, những đứa trẻ phải đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi. Đó là những kỳ thi đánh giá, xếp loại học sinh, quy định trong trường học, bị thầy cô phạt, cha mẹ áp đặt, so sánh...
Nỗi sợ càng lớn sẽ trở thành thói quen, dẫn đến nhiều hệ quả mà đôi khi con người không nhận ra được. Đó có thể là bắt chước người khác, không dám tìm tòi, khám phá, ngại truy tìm sự thật.
Những cảm xúc tiêu cực sẽ theo học sinh cho đến khi trưởng thành. Khi đó, chuyển thành những nỗi sợ to lớn như sợ thất bại, không hoàn hảo, bị cô lập... Tham vọng vượt lên trên người khác cũng là một dạng của sợ hãi, "bởi vì họ sợ cái mà họ đang là, sợ mình chính là mình".
Qua tác phẩm, J. Krishnamurti muốn độc giả nhìn sâu vào bản chất của giáo dục, tìm ra vấn đề gốc rễ để giải quyết. Ông đặt ra sứ mệnh của giáo dục là giải thoát học sinh khỏi sợ hãi, chứ không chỉ chuẩn bị để thi cử.
Krishnamurti cho rằng nhà trường và gia đình phải phối hợp lẫn nhau. Phụ huynh hiểu được đường lối mà nhà trường đặt ra. Thầy cô không chỉ giỏi về khả năng, còn phải có sự nhẫn nại và tình yêu thương để học sinh cảm thấy thoải mái, an toàn khi đến trường. Bản thân các em cũng phải biết phản kháng, nhìn nhận chính mình. Từ đó, thấy được năng lực của bản thân, học tập và làm việc vì yêu thích, đam mê.
Những câu hỏi được các bạn trẻ đặt ra như: Tình yêu là gì? Xã hội là gì? Tôn giáo là gì? Hạnh phúc là gì? Đau khổ là gì?... đều được tác giả giải đáp một cách sâu sắc và dễ hiểu.
Thông qua cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: "Nếu các em còn sợ hãi, các em không bao giờ có thể tự do. Chính các em phải là những người tạo ra một thế giới mới, một thế giới mà trong đó, tất cả chúng ta sẽ chung sống hạnh phúc với nhau, với điều kiện các em được giáo dục một cách đúng đắn".
J. Krishnamurti (1895-1986) quê Ấn Độ, là tác gia, nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Trong cuộc đời mình, ông chủ yếu tập trung vào các vấn đề triết học và tinh thần, mối quan hệ giữa con người và cách thức để tạo nên sự thay đổi tích cực trong xã hội. Tư tưởng của ông được truyền tải trong khoảng 400 quyển sách.
Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Từ bóng tối đến ánh sáng, Tâm trí không giới hạn, Định kiến và đổi thay, Hành trình của đại bàng, Tự do vượt trên sự hiểu biết, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống... Ông từng diễn thuyết tại Liên hợp quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức. Ông được trao tặng Huân chương Hòa bình của Liên hợp quốc năm 1984.
Hiểu Nhân