Tác phẩm dày 556 trang, tái hiện cuộc đời của bà Minh Hiền, từ lúc 13 tuổi, thoát ly gia đình đi kháng chiến đến lúc làm việc ở báo Giải phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM rồi trở lại với sự nghiệp báo chí. Bà trở thành tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn (1999-2008), thành viên Hội đồng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (2009-2012).
Phần một - Kể chuyện những năm tháng đã qua - do Nguyễn Hồ, chồng bà Minh Hiền chấp bút, ghi lại dấu ấn cuộc đời bà từ tư liệu cũ và những điều ông biết, trong đó có những trang nhật ký, thư từ. Phần hai - Hãy nắm tay em đi - do ông viết từ năm 2013 đến năm 2016, ghi lại cuộc chiến đấu cuối của bà với bệnh tật, kỷ niệm bên chồng con, bạn bè.
Ông Nguyễn Hồ nói về quá trình đồng hành suốt 45 năm của vợ chồng nhà báo, từ "đám cưới giữa rừng", những đồng cảm trong quan điểm sống, quá trình làm nghề đến cách họ chăm sóc lẫn nhau. Khi bà mất năm 2016, ông tiễn vợ bằng bài thơ Qua sông.
"Tám tháng trời bên em
Ngày ngày và đêm đêm
Anh chờ nghe em nói
Lặng im và lặng im
Thời gian như ngừng trôi
Niềm thương tràn ánh mắt
Ngửa bàn tay hư vô
Sáng trong ngời khuôn mặt
Nhớ một thuở chiến trường
Anh đi về phía trước
Phía sau anh là rừng
Võng em rung cơn sốt
Mỗi lần gặp lại nhau
Nụ cười pha nước mắt
Run rẩy những niềm đau
Trong vòng tay siết chặt...".
Phần ba - Trời kêu nhưng tôi không dạ và 20 câu chuyện khác - là những bài viết, phỏng vấn của nhà báo về chân dung nhiều nhân vật như Phó thủ tướng Phan Văn Khải, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nhà văn Trang Thế Hy.
Sách đăng một bài bà viết về quãng thời gian chống chọi bạo bệnh của bản thân. Theo đại diện đơn vị phát hành, thời đó, bệnh nhân ung thư có xu hướng giấu tình trạng, việc bà chịu công khai có tác động tích cực lớn đến nhiều người bệnh khác. Bài viết của bà từng được đưa vào cuốn Ung thư xin đừng tuyệt vọng của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, xuất bản năm 2009. Phần 4 - Nhớ một người, thương một nghề - là bài viết của nhiều đồng nghiệp, bạn hữu về Minh Hiền với niềm trân trọng.
Sách không chỉ là câu chuyện cá nhân của một người vợ, người mẹ, người làm báo, mà còn là một lát cắt lịch sử làng báo miền Nam trong hơn nửa thế kỷ phát triển. Tập sách do đó có thể được xem như một tài liệu học tập với những kinh nghiệm, tình yêu nghề, đạo đức của một nhà báo kỳ cựu.
Đơn vị tổ chức buổi ra mắt sách sáng 20/6 tại TP HCM, với sự góp mặt của người thân, bạn hữu nhà báo Minh Hiền. Các tác giả góp mặt trong sách cũng tham gia sự kiện, như nhà báo Trần Trọng Thức, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
Mai Nhật