Sách Lý Tiểu Long - Một cuộc đời phi thường của tác giả Matthew Polly phát hành ở Việt Nam từ tháng 12. Theo New York Times, đây là quyển sách đầu tiên phác họa hoàn chỉnh về cuộc đời Lý Tiểu Long (Bruce Lee, 1940-1973) - người góp phần đưa võ thuật châu Á đến với thế giới. Qua lời kể của những người thân cận Lý Tiểu Long, tài tử được miêu tả với cả ưu, nhược điểm, vinh quang lẫn đau khổ trong cuộc đời. VnExpress trích đăng năm kỳ về võ sư, diễn viên võ thuật huyền thoại Hong Kong.
Vịnh Xuân Quyền được quảng bá rộng rãi ở Hong Kong phần lớn là nhờ tiếng tăm của một người đàn ông, đại danh sư Diệp Vấn (Ip Man). Sinh năm 1893 trong một gia đình thương nhân giàu có ở Foshan, Diệp Vấn chạy đến Hong Kong với độc một bộ quần áo trên người vào năm 1949. Vì quá đỗi nghèo túng lại nghiện hút á phiện theo như người đời đồn thổi, Diệp Vấn mở võ đường dạy Vịnh Xuân Quyền để kiếm sống. Ông nhanh chóng thu nạp được một nhóm thanh niên hừng hực khí thế, những người bị chinh phục bởi tài năng võ công xuất chúng, tính khí cùng với đầu óc thông minh của ông. Nhằm giúp các đồ đệ trở thành võ sĩ chiến đấu tài giỏi, ông dạy họ những chiêu pháp cơ bản của Vịnh Xuân Quyền, trong đó chú trọng đến các kỹ thuật giao đấu ở cự ly gần như đá tầm thấp, đấm nhanh như chớp, khóa tay, đỡ - một môn phái võ thuật lý tưởng cho các cuộc ẩu đả trong những ngõ hẻm của đất Hong Kong chật hẹp.
Kỹ pháp đặc trưng của Vịnh Xuân Quyền được gọi là niêm thủ (chi sao). Đó là nguyên lý tinh hoa tuyệt diệu, tương tự các động tác về tay của Thái Cực Quyền, dùng đôi tay của mình để trấn áp, kiềm tỏa và tấn công trong lúc luôn phải áp sát đối phương. Với mong muốn đồ đệ của mình chế ngự được nóng giận và hướng tới chân thiện mỹ, Diệp Vấn còn truyền dạy cho họ tư tưởng Đạo Lão - "tĩnh lặng như mặt nước" - và vận dụng óc hài hước của mình trong những buổi luyện võ.
Diệp Vấn không bao giờ có tư tưởng sát sinh. Nếu đồ đệ vung tay tấn công, thầy chỉ mỉm cười và hóa giải đòn tấn công một cách dễ dàng". Bruce giấu cha mẹ, nhờ William Cheung (bạn của Bruce) giới thiệu anh với Diệp Vấn, ông đồng ý thu nhận anh làm đồ đệ và cho anh đến học những nguyên lý cơ bản với Wong Shun Leung (Hoàng Thuần Lương). Bởi vì ở hầu hết trường dạy kung-fu, các bậc võ sư thường chỉ dạy các đại đồ đệ, những người này lại được giao nhiệm vụ hướng dẫn thành viên mới. Tròn hai mươi mốt tuổi và là một đấu sĩ kỳ cựu đã từng kinh qua hàng tá trận tỉ võ tay đôi, Wong Shun Leung được xem là võ sĩ giỏi nhất trong môn phái, và cũng là một trong những võ sĩ cứng cựa nhất ở đất Hong Kong. Những người ngưỡng mộ đặt cho anh biệt danh Gong Sau Wong, "vua của những bàn tay biết nói".
Ấn tượng ban đầu của vị vua này về Tiểu Long, người xuất hiện với cặp kính râm thể thao cùng mái tóc tỉa tót cẩn thận, không được tích cực cho lắm. Shun Leung kể lại: "William đem đến một thằng nhãi có bộ dạng như Elvis Presley, phong thái phù phiếm, tự cao tự đại. Sau khi cậu ta ra về, tôi thẳng thừng nói với William rằng tôi chẳng ưa thằng nhóc này chút nào". William hẳn đã rỉ tai với Bruce nên lần gặp thứ hai, Bruce tỏ ra cực kỳ đúng mực. "Cậu ta ăn mặc đàng hoàng và ăn nói lịch sự hơn hẳn", Wong kể. Tiểu Long, dù thường nổi loạn chống lại bề trên, một lần nữa lại áp dụng phương thức nhún nhường tạm thời để có thể trở thành một tay võ sĩ cừ khôi, không những tài giỏi hơn William mà còn vượt lên hẳn Shun Leung. Với tính cách thẳng thắn, bộc trực, Bruce không hề giấu diếm ý định đó. "Cậu ta cả gan hỏi tôi khi nào có thể đánh thắng William và tôi", Shun Leung vẫn thấy sốc mỗi khi nhớ lại. "Cậu ta luôn hỏi quá nhiều".
Với một quyết tâm duy nhất là làm thế nào để vượt trội hai bậc đàn anh, Bruce giở trò xỏ lá ba que với các bạn đồng môn trong lớp võ nhằm có được những giờ học riêng tư. Cậu thường đến phòng tập của Shun Leung sớm hơn tất cả học viên khác, rồi nói rằng cậu có chút việc riêng nhưng sẽ quay lại liền. "Sư huynh đợi em nhé! Đừng đi ra ngoài, em xin anh đấy. Đa tạ sư huynh!", cậu la to với Shun Leung rồi chạy hộc tốc xuống cầu thang đón lõng các bạn đồng môn.
Khi họ tới, cậu ranh mãnh thông báo "Thầy vừa mới đi khỏi, người nhà nói thầy có việc gấp nên không rảnh hôm nay, tớ nghĩ chúng mình phải học bữa khác thôi". Sau đó, cậu tống toàn bộ họ lên xe buýt rồi quay trở về căn hộ của Wong Shun Leung để bắt đầu giờ học một thầy một trò. Khi Wong phát hiện ra mánh khóe đó, anh không khỏi bật cười trước sự lém lỉnh của Bruce. "Tôi cố gắng không trừng phạt cậu ta", Wong nói, "vì đó chính là con người Bruce Lee, luôn cạnh tranh và hiếu thắng. Nếu anh chàng muốn điều gì thì hẳn sẽ cố làm được với bất cứ giá nào".
Kỳ một, còn tiếp...
Trích sách Lý Tiểu Long: Một cuộc đời phi thường