Quyển Giáo sư Phạm Thiều (1904-1986), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ấn hành giữa tháng 6, cung cấp tư liệu dồi dào, đa dạng về chân dung một nhân vật có vai trò quan trọng trong lịch sử giáo dục và ngoại giao nước nhà. Ấn bản gồm bốn phần: Cuộc đời và con người giáo sư Phạm Thiều, Những trang viết của giáo sư, hồi ức về ông và phần cuối là một số tư liệu.
Ở phần một, nhà nghiên cứu lịch sử Cao Tự Thanh viết và phân tích chân dung Phạm Thiều là một nhân vật học rộng, tài hoa. Theo nhà nghiên cứu, điều may mắn nhất của giáo sư Phạm Thiều là đã được đóng góp cho đất nước một cách xứng đáng trong hoàn cảnh con người Việt Nam phải đấu tranh và hy sinh cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, và điều rủi ro nhất của ông là phải sống trong những giờ phút cuối cùng của đêm dài bao cấp vào lúc cuối đời.
Góc độ lịch sử lẫn đời thường của Phạm Thiều hòa quyện nhau tạo nên một con người nhất quán trong học vấn, tư duy, phẩm chất đạo đức. Giáo sư Phạm Thiều, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, nắm cương vị nào, cũng đều giữ cốt cách của một con người hướng thượng, kiên trì với niềm tin học vấn đàng hoàng sẽ góp phần thay đổi cuộc sống và con người, cũng như kiên trì với lý tường phụng sự dân tộc và bổn phận của một nhà trí thức.
Sinh năm 1904, so với các trí thức Tây học cùng thời, Phạm Thiều là một trong những người hiếm hoi tham gia lều chõng, từng dự thi khoa Hương cuối cùng ở Việt Nam năm 1918. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm Hà Nội 1927, ông được chính phủ Pháp phân công vào Nam làm việc trong ngành giáo dục. Ông dạy ở trường Pétrus Ký năm 1938, đồng thời là cây bút khảo cứu nổi tiếng ở Nam kỳ, đào tạo nhiều học trò, trong đó có Dương Đình Thảo, Trần Văn Khê...
Năm 1945, ông cùng người Sài Gòn tham gia kháng chiến, nổi dậy giành chính quyền từ thực dân Pháp. Cuối 1955, ông chuyển công tác từ Bộ Ngoại giao qua Bộ Giáo dục, đến tháng 4/1960 chuyển từ Bộ Giáo dục về Bộ Ngoại giao. Hết nhiệm kỳ đại sứ 1964, ông về nước. Tháng 8/1964, chính phủ Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bằng không quân ở miền Bắc. Bước vào cuộc sống sơ tán, ông vẫn cùng các đồng nghiệp và học trò đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm nhiều nơi. Ông có nhiều đóng góp để đến năm 1965, lớp đại học Hán văn của Viện Văn học được tổ chức, đánh dấu sự hình thành của ngành Hán Nôm học mới ở miền Bắc Việt Nam sau 1945. Trong hơn 20 năm cuối cùng, cuộc đời của giáo sư Phạm Thiều đã gắn làm một với sự phát triển của ngành Hán Nôm học, trước tháng 4/1975 ở miền Bắc, từ tháng 4/1975 trở về sau là cả nước.
Phần hai gồm những bài viết, thơ văn của ông còn có các ghi chép, đề cương, báo cáo... về hoạt động ngoại giao trong thời gian làm đại sứ ở Tiệp Khắc (Cộng hòa Czech) và Hungary, hay thời gian phụ trách ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam trước khi nghỉ hưu vào tháng 8/1974. Ngoài ra, ông viết rất nhiều đề tài, sáng tác thi ca từ phú, nghiên cứu văn sử ngữ triết, bình luận chính trị thời sự...
Phần thứ ba sách quy tụ 14 bài viết của những tên tuổi nhiều lĩnh vực, như: nhà báo, nhà văn Phạm Tường Hạnh (1919-2013), nhà báo Nguyên Hùng (1927-2005), giáo sư âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê (1921-2015), ông Vũ Hắc Bồng (nguyên giám đốc Sở ngoại vụ TP HCM, từ 1982 đến 2002), nhà báo Phạm Bích Hà - đích tôn của giáo sư... 14 bài viết bổ sung về mặt tư liệu, giúp độc giả hiểu thêm chân dung một nhà giáo nổi tiếng của đất Sài Gòn, một trí thức yêu nước và nhà ngoại giao đáng kính.
Ấn bản về giáo sư Phạm Thiều được làm mới, bổ sung thêm nhiều nguồn tư liệu từ sách cùng tên, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM ấn hành năm 2004. Bản cũ chỉ có ba phần, gồm hồi ức về giáo sư Phạm Thiều, còn phần tiểu sử của ông chỉ là bản khai lý lịch mở rộng, gọi là Niên biểu Phạm Thiều đặt ở đầu phần Phụ lục.
Sách do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh biên soạn. Cao Tự Thanh quen biết Phạm Thiều vào năm 1976, là nhân viên của ông năm 1978, từng làm chung quyển sách về Nguyễn Hữu Huân, được thừa hưởng một số sách vở chữ Hán của cố giáo sư từ 1986. Ông viết: "...Tìm hiểu con người Phạm Thiều, dễ nhận ra ở đây một kết hợp độc đáo giữa truyền thống quê hương, hoàn cảnh gia đình, với sinh hoạt văn hóa - giáo dục Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám và tiến trình lịch sử - xã hội Việt Nam mà chủ yếu từ tháng 8/1945 trở đi. Việc phân tích các quan hệ xã hội đã làm hình thành nhân cách, tính cách và phong cách của ông còn cần có nhiều điều kiện khác nhau, song bằng một cái nhìn trực quan cũng có thể nhận ra ở ông một số phẩm chất có thể coi như những 'con người' riêng biệt nhưng đã mau chóng nhất hóa vào nhau và thường xuyên đồng hiện nơi từng hành vi xã hội, trong từng xử cảnh nhân sinh.." (trích phần một của sách).
Thoại Hà