Sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc ra mắt báo giới hôm 5/12 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sách do Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Nhà sách Tân Việt, NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp và Đại tá, bác sĩ Đức Thông đồng chủ biên, cùng nhóm biên soạn thực hiện.
Với mục đích khắc họa có hệ thống những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc, cuốn sách mang tới những thông tin và hình ảnh về gần 50 vị tướng nổi tiếng của Việt Nam. Tuy nhiên, phần tranh minh họa sách cho thấy sự tùy tiện, cẩu thả trong quá trình thực hiện của nhóm biên soạn.
Trừ 12 vị tướng thời hiện đại có ảnh chụp tham khảo, còn lại, cuốn sách đưa ra nhiều bức tranh làm hình minh họa. Các bức tranh minh họa không thống nhất: Có bức vẽ theo phong cách manga (tranh minh họa Tây Sơn ngũ phụng thư), có bức vẽ nét đen trắng (đô đốc Tuyết, Quang Trung - Nguyễn Huệ), có những bức vẽ chẳng khác nào nhân vật trong một game có tên "Tam Quốc" của Trung Quốc, nhiều bức vẽ theo phong cách digital art, lấy từ bộ tranh "Anh hùng sử Việt" của nhóm Viet Toon. Bộ tranh này từng làm dấy lên tranh luận vào năm 2012 khi sử dụng quá nhiều binh đao, phục trang giống hình game online, không có tính dân tộc.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - đồng chủ biên cuốn sách - cho biết các hình ảnh được đưa vào để giúp độc giả thư giãn, tránh việc đọc quá nhiều thông tin bằng chữ gây mệt mỏi. Trước câu hỏi các hình in trong sách đã đúng với văn hóa, lịch sử dân tộc chưa, ông Điệp nói, các hình ảnh sử dụng trong sách đều được ghi là "hình minh họa". Theo ông, hình minh họa thì được phép hư cấu, ước lệ.
Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, các ảnh minh họa đấy được lấy từ Internet và không rõ nguồn, tác giả. “Hình đăng trên mạng không đề tên tác giả, nếu ai đó xác minh được là tác giả, chúng tôi sẽ mời đến để trả quyền lợi theo luật bản quyền” - ông Điệp nói.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, các hình minh họa trong sách đặt ra nhiều vấn đề. Người vẽ tranh hầu hết đã không tham khảo, đối chứng với tài liệu lịch sử mà chỉ vẽ theo trí tưởng tượng. “Dựa vào thành quả nghiên cứu của tôi, tôi thấy hầu hết tranh minh họa trong sách đều không có căn cứ”. Anh chỉ ra vài ví dụ, như tranh vẽ Hai Bà Trưng vấn khăn vành dây - vốn là trang phục của công chúa và hoàng hậu thời Nguyễn. Hoặc bức minh họa Tây Sơn ngũ phụng thư vẽ theo phong cách manga, cách ăn mặc lòe loẹt, khoa trương. Bức vẽ tổng đốc Hoàng Diệu là bức vẽ lại, nhiều chi tiết áo mũ không chính xác. Mũ đội và hoa văn trên áo lại có hổ phù - vốn không phải là trang phục thời ấy...
Tuy nhiên Trần Quang Đức đánh giá đây là những tranh vẽ tưởng tượng, mà tưởng tượng là quyền riêng của mỗi người, nên việc vẽ ra những tranh ấy rồi đưa lên mạng không đáng trách. Điều đáng trách thuộc về những người làm sách. Họ đã đưa các hình vẽ trên mạng ấy vào trong xuất bản phẩm mà bỏ qua thao tác thẩm định nội dung, tìm hiểu lai lịch, căn cứ của những bức vẽ. Cách làm lười nhác này đã đem đến một cuốn sách với những hình minh họa hổ lốn, không có sự dụng công.
Họa sĩ Hà Dũng Hiệp - tác giả bức tranh "Lý Thường Kiệt" được lấy minh họa trong trang 37 của sách - nói, anh không hề nhận được lời xin phép sử dụng hình ảnh nào của nhóm biên soạn. “Cá nhân tôi không đồng ý cách làm này. Tôi cũng không muốn làm gay gắt vấn đề. Nếu họ muốn lấy tranh, thì chỉ cần ghi tên tác giả, hoặc tên đơn vị giữ bản quyền hay nguồn trích dẫn. Đó là quyền tác giả tối thiểu mà họ cần tôn trọng”- họa sĩ Hà Dũng Hiệp nói.
Sáng 10/12, ông Hoàng Hải Long - Chánh Văn phòng Cục Xuất bản - cho biết Cục đã có yêu cầu thu hồi cuốn Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc, nhưng lý do thu hồi là sách chưa nộp lưu chiểu. Sau khi nhận bản lưu chiểu, Cục sẽ xem xét sách sau đó mới có thể đưa ra những đánh giá đúng, sai, mức độ sai phạm của cuốn sách.
Lam Thu