Sách tên gốc là The Tyranny of Merit: What's Become of the Common Good?, phát hành tại Mỹ năm 2020. Tác phẩm trở thành bài giảng tại nhiều nơi như Học viện bậc sau đại học Geneva, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE). Tháng 6 năm nay, Omega Plus phát hành sách trong nước, do bốn dịch giả hợp tác chuyển ngữ.
Chế độ nhân tài nhấn mạnh địa vị xã hội, "phản ánh chính xác nỗ lực và tài năng mỗi người". Tác giả viết: "Khi cho rằng hệ thống luôn tự động đãi ngộ những ai có tài năng và nỗ lực phấn đấu, những người thành đạt sẽ xem thành công của mình đến từ thực lực vốn có, là thước đó chuẩn mực cho những đức tính mà họ sở hữu - vì vậy họ sẽ xem thường những ai kém may mắn hơn mình".
Sandel lập luận rằng thay vì ngạo mạn với công trạng, người thành đạt nên khiêm nhường vì sự may mắn, bối cảnh gia đình - những tác nhân nằm ngoài kiểm soát - đóng góp không nhỏ cho thành công của họ. Ông đặt câu hỏi: "Tại sao người tài xứng đáng những đãi ngộ lớn mà các xã hội theo định hướng kinh tế thị trường chọn tưởng thưởng cho cá nhân thành đạt hơn những người cũng nỗ lực không kém?".
Chủ nghĩa nhân tài chuyên chế cũng dung túng cho lòng tự cao, "khuynh hướng chìm đắm trong thành công" của những người giỏi giang. Những người tôn vinh chế độ này ngó lơ các vấn đề đạo đức, còn người bị xem là thất bại có thể nung nấu cảm giác "nhục nhã và oán giận", dấy nên phong trào dân túy chống lại giới tinh hoa. Từ đó, chế độ nhân tài rơi vào lối mòn chuyên chế, áp đặt những bất công lên xã hội và tầng lớp yếu thế.
Trong phần kết, Sandel nhớ lại câu chuyện về Henry Aaron - cầu thủ bóng chày da đen sống trong khu phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Vận động viên phá kỷ lục về tổng số cú đánh ăn điểm trực tiếp home run (cú đánh mạnh khiến bóng bay ra ngoài sân). Người viết tiểu sử của Aaron cho rằng: "Những cú đánh bóng có thể được xem là đại diện cho chế độ nhân tài của cuộc đời Henry".
Sau cùng, tác giả cho rằng muốn vượt qua khủng hoảng đang làm đảo lộn thế giới, con người phải suy nghĩ lại về thái độ đối với thành công - thất bại, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Ông cũng hy vọng tác phẩm lý giải nguyên nhân các mối quan hệ xã hội dần thiếu kết nối và gợi ý con người hướng đến sự khiêm tốn, thấu hiểu nhau dù ở bất kỳ tầng lớp, hoàn cảnh gia đình nào.
Nhà phát hành Omega Plus cho rằng tác phẩm gợi góc nhìn về xã hội Mỹ bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo, chứa nhiều mâu thuẫn nhỏ lẻ, dễ bùng phát thành cơn thịnh nộ.
Theo The Guardian, Michael Sandel sử dụng nhiều từ vựng thách thức sự tự chủ và không hợp thời trong các thập niên qua. Những từ như "phụ thuộc", "khiêm tốn", "may mắn" - tái hiện nhiều lần trong cuốn sách của ông - gợi cảm giác về một xã hội dễ bị tổn thương và cần sự công nhận lẫn nhau.
Trên Goodreads, độc giả Paul miêu tả quyển sách là "kho tàng triết học" và mong muốn tầng lớp thượng lưu có thể đọc tác phẩm và có sự thấu cảm với cộng đồng. Còn người đọc David Wineberg nói sách khó hiểu và không giải quyết được vấn đề gì. Tiến sĩ Nguyễn Nam - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) - nói bản dịch tốt, phù hợp bạn đọc trong nước.
Michael Sandel, 70 tuổi, là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với các bài giảng về Công lý với hàng nghìn sinh viên đăng ký lớp học mỗi học kỳ. Theo The Guardian, ông được miêu tả là "triết gia nổi tiếng như ngôi sao nhạc rock". Tác giả có series The Public Philosopher trên BBC Radio 4 và chiếu nhiều bài giảng miễn phí trên kênh Youtube của trường.
Ông có một số tác phẩm đã xuất bản như: Justice: What's the Right Thing to Do? (2009), What Money Can't Buy: The Moral Limits of Markets (2012). Quyển Justice: What's the Right Thing to Do? (Phải trái, đúng sai) phát hành trong nước và được khán giả yêu thích.
Quỳnh Quyên