Nhà nghiên cứu ấp ủ ý tưởng làm sách trong 15 năm. Ấn phẩm ra mắt độc giả hồi tháng 3, đầu tháng 7, sách tái bản và là một trong những ấn phẩm bán chạy, được bạn đọc quan tâm của Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP HCM.
Tác phẩm được tìm lọc trong bộ Nhị thập tứ sử (Hai mươi bốn bộ sử) gồm chính sử các triều đại ở Trung Quốc, chủ yếu là bốn bộ Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo. Cao Tự Thanh cho biết năm 2005, ông được giáo sư Li Tana, Australia, tặng bộ sách - một tài liệu đối chiếu những mảnh khuyết sử Việt Nam.
Về thể tài, bốn bộ sử Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo nói trên theo khung biên soạn thống nhất của sử học truyền thống Trung Hoa, đều gồm bốn phần lớn là Bản kỷ, Chí, Biểu và Liệt truyện, trong đó những ghi chép có liên quan đến lịch sử Việt Nam chủ yếu nằm trong Bản kỷ và Liệt truyện. Trong quyển sách này, tư liệu trong mỗi bộ sử nói trên được chia làm ba phần. Phần một là truyện về Việt Nam trong Liệt truyện. Phần hai là những ghi chép có liên quan tới Việt Nam trong Bản kỷ, Phần ba là truyện về một số nhân vật Trung Quốc có liên quan tới lịch sử Việt Nam trong Liệt truyện. Riêng phần hai chủ yếu là những sự kiện rời rạc được ghi chép ngắn gọn, nên quyển sách tổ chức thành những "điều" đánh số thứ tự từ 001 trở đi để người đọc tiện theo dõi.
Ngoài ra, sách có hai phụ lục. Phụ lục một là bài chế văn của vua Gia khánh phong vương cho vua Gia Long được dịch giả phục hồi nguyên bản chữ Hán và phiên dịch, chú thích, đã công bố trên tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Huế) số 5 (131), 2016. Phụ lục hai là bảng đối chiếu niên hiệu và năm âm - dương lịch kèm danh sách các vị vua theo miếu hiệu, giúp đối chiếu và tra cứu niên hiệu của các chính quyền ở Việt Nam và Trung Quốc. Vì nội dung sách bắt đầu từ thời Tống và dừng lại ở thời Thanh, nên bảng này bắt đầu từ năm Tống Thái tổ lên ngôi (960) và dừng lại ở Cách mạng Tân Hợi (1912).
Nhìn chung, những tư liệu về Việt Nam trong bốn bộ từ Tống sử đến Thanh sử cảo chỉ trực tiếp phản ảnh quan hệ bang giao giữa các chính quyền hai nước với một số hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự cụ thể và phần nào đó là lịch sử hưng vong của các chính quyền ở Việt Nam sau thời Bắc thuộc.
Cao Tự Thanh nhận định quốc gia phong kiến Việt Nam phát triển một phần nhờ chiến tranh, nhưng sử học truyền thống Việt Nam lại thiếu sót một phần vì chiến tranh. Do đó, ông dịch Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa với mong muốn góp phần bổ sung những thiếu sót ấy trước hết về mặt tư liệu. Nhà nghiên cứu nói: "Giống như hai tấm gương soi vào nhau, việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa ở đây không những mang tính chất đối chiếu về sử liệu mà còn cả về sử học trong quá khứ của hai nước. Những hình ảnh nhiều tầng lớp hiện ra trong hai tấm gương ấy có thể mang đến cho độc giả những thông tin đầy đủ và ý niệm toàn diện hơn về lịch sử mười thế kỷ sau thời Bắc thuộc lẫn sử học truyền thống Việt Nam".
Thất Sơn