Nhìn ánh mắt rạng người và miệng cười hớn hở của con khi mặc tấm áo Tết, mẹ chỉ mong ôm mãi con vào lòng, trái tim mẹ đập cùng nhịp đập phập phồng trong trái tim non nớt của con mà sống lại cái thời mẹ thơ bé như con bây giờ.
Áo Tết - niềm vui giản dị nhưng cũng như tuổi ấu thơ ngắn ngủi là ký ức đi theo mẹ mãi.
Sắm Tết, ngoài mâm lễ trang trọng trên bàn thờ tổ tiên thì những thứ khác mua bao nhiêu vẫn cảm thấy thiếu nếu như chưa chọn được bộ quần áo ưng ý cho con. Nói thì có vẻ hơi lạ, vì thời buổi này đâu đến nỗi thiếu thốn cả về tiền bạc lẫn đồ thời trang để mua.
Đúng là bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể mua váy, áo cho con với đủ các hãng từ trong đến ngoài nước, từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Nhưng dù người lớn có thấy Tết bớt thiêng thì mẹ hiểu, với trẻ con Tết vẫn là niềm háo hức muôn đời. Chiếc áo Tết mang lại niềm vui vô bờ cho con, vậy thì xem ra đắt bao nhiêu vẫn cứ là rẻ.
Để mẹ kể con nghe. Hồi mẹ bé như các con, hình như Tết có nhiều niềm vui hơn bây giờ. Có lẽ vì quá thiếu thốn nên Tết đến với mẹ còn là những ngày được nghỉ tràn cung mây, được ngủ đẫy mắt và ăn đẫy bụng những thức ăn vắng bóng quá lâu trong bữa cơm hàng ngày.
Nay các con nếu không thực sự lạ miệng thì chả thiết tha ăn uống và mẹ chắc chắn rằng các con cháu của con về sau cũng vậy. Đời sống khấm khá hơn khiến những người làm cha, làm mẹ không còn phải áy náy về việc nuôi dưỡng con cái và việc trẻ con thờ ơ với thực phẩm là điều hiển nhiên của xã hội no đủ. Nhưng ngày xưa, ngày nay và mãi mãi về sau, mẹ tin, niềm vui khi có bộ váy áo Tết chắc sẽ vẹn nguyên như chính sự trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ vậy.
Ngày bé, mỗi khi Tết đến, ông bà ngoại lo lắng lắm. Lo tiền tiêu Tết, lo nhất vẫn là những bộ quần áo, dép mới cho con. "Già được bát canh, trẻ được manh áo mới", hạnh phúc của mỗi lứa tuổi khác nhau, ai có con mới biết, nhìn trẻ được mặc áo mới vui đến thế nào. Lo là thế nhưng quần áo và dép đều là tính toán sau cùng. Bởi lẽ, phải lo đủ cái ăn, cái bày biện trang hoàng cho ngày Tết đã.
Bao giờ bánh chưng treo đầy nhà, nồi thịt đông, xâu thịt nướng, bu gà, nem rán, cá kho... ít nhất đủ ăn trong ba ngày Tết, bao giờ mâm lễ thờ tương đối trang trọng với nải chuối quả bưởi chai rượu, bao giờ không có cành đào thì cũng phải vài bông thược dược đỏ tươi cắm bình mà còn dư được chút tiền thì mới tính đến mua cho đứa này cái áo hay đứa kia cái quần, đứa nữa đôi dép.
Bao giờ cũng thế, quần cứ phải chùng, áo cứ phải dài, dép cũng phải rộng. Trẻ con tuổi ăn tuổi ngủ lớn như thổi, không khéo chọn thì chỉ vài tháng có khi là chẳng mặc được nữa. Thế là quần bao giờ cũng phải xắn lên vài gấu, tay áo cũng vắn lên vài vòng, gấu áo thì bỏ vào trong quần mà vẫn lụng thụng. Được mua quần áo mới rồi, đêm ngủ cũng vẫn nằm mơ với cái miệng cười khó mà khép lại, mong ngóng sao thật nhanh đến Tết để diện.
Đó là những năm hiếm hoi, còn đa phần để có đủ cái ăn cũng đã là may mắn lắm rồi. Quần, áo, dép có thể mặc lại. Ngắn chút thì kéo gấu xuống, đứt rách thì hàn, vá lại nhưng bánh chưng, thịt đông, hộp mứt, chai rượu không có thì biết lấy gì thờ cúng tổ tiên, bày biện cho ra ngày Tết. Không phải ông bà ngoại không yêu thương chăm sóc cho con. Ai cũng biết rằng "ăn hết nhiều, mặc hết bao nhiêu", hàng núi thực phẩm ngốn vèo cái là hết, tấm áo Tết trẻ con mừng vui tưng bừng, ngắm nghía cả tháng trời.
Nhưng Tết nhất đâu chỉ là Tết trong nhà mà còn phải tiếp đón khách khứa, láng giềng, họ mạc. Khi mà mọi người đều nghèo khó thì họ lại có tâm lý nhìn ngó sang nhau xem ai hơn, ai kém. Vả lại, quanh năm ít biết đến miếng thịt thà, giữa việc mặc đẹp rồi đón Tết úi xùi với ăn no cỗ bàn thì người lớn đành chăm lo cho cái dạ dày trước hết.
Lớn lên rồi mẹ mới biết sự dỗi hờn thậm chí ăn vạ bắt đền khóc giẫy lăn đành đạch khi xưa của mình thật là... trẻ con. Nhưng mẹ cũng biết đó là những cảm xúc rất bình thường để khi mẹ miễn cưỡng chấp nhận đón Tết với đôi dép hàn sứt sẹo, cúi mặt trước bạn bè, thèm thuồng lén liếc tấm áo mới của chúng ấy là lúc mẹ đã lớn dần lên. Vào năm học mới hoặc hiếm hoi khi nhà dư giả chút tiền mẹ sẽ được may quần áo mới nhưng chắc chắn những bộ quần áo Tết sẽ đem lại niềm vui lâu hơn, háo hức hơn cả.
Mẹ chỉ có thể lý giải điều đó là do tâm hồn trẻ thơ còn quá trong trẻo. Bởi khi đó con người ta vẫn còn khóc vì một con chó hay con mèo ốm, xúc động tưởng như vỡ òa khi thấy bông hoa đào đầu tiên nở hay chỉ với một quả bóng bay mà chơi hết cả ba ngày Tết không thấy chán. Tấm áo diện Tết là sắc màu rực rỡ tươi vui, là niềm háo hức mong chờ, là thứ hãnh diện với bạn bè, là sở hữu riêng biệt khi Tết đến, xuân về.
Khi lập gia đình, mẹ bắt đầu tập quen dần với gánh nặng Tết nhất trên vai như bà ngoại ngày xưa. Nhiều lúc mẹ thầm cảm ơn trời vì nếu như không có niềm vui sắm Tết cho con thì có lẽ Tết với người lớn chỉ còn những lo toan.
Ngọn gió đông đầu tiên xuất hiện mẹ đã cuống lên lo xem con có đủ ấm, áo xống năm ngoái có mặc vừa hay đã ngắn, còn thiếu gì để mua bổ sung. Giữa đông tùy theo trời lạnh nhiều hay ít mà lại mua giày, mua bốt, mua áo khoác phao hay chỉ là áo choàng làm điệu.
Thế mà gần Tết, lại cứ thấp thỏm xem giữa bao chộn rộn công việc phải guồng sức cho xong, thu xếp được lúc nào để đưa con đi sắm Tết. Con thích váy đỏ làm công chúa, mẹ chiều mua thêm cho vài chiếc quần tất mỏng màu da chân, màu đen mặc cho giống mẹ. Con thích áo dài làm cô Tấm, mẹ mừng vì con chẳng những điệu mà còn biết yêu những trang phục cổ truyền.
Mất cả buổi lục tung siêu thị, cửa hàng, có lúc cáu gắt nhặng xị vì con chưa ưng dù thử hết cái này cái khác. Thế rồi con ôm khư khư chiếc áo dài vừa vặn đẹp xoay vòng như sợ ai mua mất, con nói cười quá khích huyên thuyên lên, mẹ cũng thấy lòng dạ dịu hết cả lại. Niềm vui của trẻ con mới là thứ quý giá nhất trên đời này.
Mẹ sẽ không chiều con đâu. Áo Tết mua rồi phải mang giặt và treo lên cho thẳng thớm. Khi xưa có lần mẹ lén mặc trước le te chạy ra ngõ khoe rồi trở về với đôi mắt mọng sưng vì lớt chớt ngã ngay vũng bùn vấy bẩn chiếc áo trắng tinh. Mấy ngày Tết năm ấy mẹ buồn so. Chiếc áo giặt không sạch, mới mà cũng như cũ. Kỉ niệm ấy theo mẹ mãi sau này để nhắc nhớ rằng phải cẩn thận hơn dù mẹ biết rằng trẻ con đứa nào chả hậu đậu. Càng vui quá, càng muốn khoe thì lại càng dễ làm hỏng. Thế mới là trẻ con.
Mẹ không sợ con làm bẩn áo vì bây giờ có bẩn, có rách mẹ cũng sẵn sàng mua lại chiếc khác cho con. Mẹ chỉ muốn ngày ngày con sẽ ngước đôi mắt trong veo trông lên áo Tết mà náo nức hồi hộp mong ngóng bao giờ cho đến lúc được diện trong tiếng cười rộn rã đầu năm.
Sự chờ đợi cũng là một hạnh phúc. Cho niềm vui ấy kéo dài thêm đôi chút để mẹ cũng được gặp lại mình trong tuổi thơ con trong vắt như sương sớm đầu cành. Để mẹ thấy thương hơn ông bà ngoại ngày xưa, muốn có niềm vui này cùng với con cái mà hoàn cảnh ngặt nghèo rất ít khi có được.
Tập tản văn Tết xưa thơ bé của tác giả Hương Thị do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành chào mừng Tết Kỷ Hợi. Sách đưa người đọc vào không gian thị trấn nhỏ ở Bắc Bộ thập niên 1980. Cuốn sách như lời thủ thỉ của một bà mẹ, kể cho con nghe ký ức về Tết của một thời còn thiếu thốn nhưng đầy ắp yêu thương. VnExpress trích đăng tác phẩm.
>>> Xem thêm: Phần đầu "Tết xưa thơ bé"