Tác phẩm dày 472 trang, gồm bốn phần. Phần một tập hợp 68 bài bình luận đăng trên mục Nói hay đừng của báo Lao Động từ năm 1995 đến 2012 với bút danh Lý Sinh Sự. Phần hai gồm 12 phóng sự được ông lấy bút danh Trần Chinh Đức. Phần ba là 57 bài viết tản mạn, chuyện dọc đường, ký tên Hà Văn. Phần cuối gồm các bài viết, hình ảnh kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp với nhà báo Trần Đức Chính.
Điểm nhấn là các bài bình luận ở mục Nói hay đừng với phong cách châm biếm. Trong 10 năm phụ trách mục, mỗi ngày ông viết một bài, tổng cộng có khoảng 6.000 bài. Vợ ông - nhà báo Nguyễn Thiếu Mai - cho biết sức viết của chồng bền bỉ. Nhiều khi, chỉ cần nói chuyện với bạn bè dăm ba câu, ông đã nghĩ ra đề tài và viết rất nhanh.
Nhà báo Trần Đình Thảo (Báo Công an Nhân dân Điện tử) nhận xét các bài viết có văn phong độc đáo, dân dã, hóm hỉnh, lôi cuốn bạn đọc.
Trong phần cuối, ông nói về một số kỷ niệm làm báo, từ thời máy ghi âm to bằng cả bàn tay, không thể giấu kín khi cần tác nghiệp dạng điều tra. Ông bày một số mẹo cho đồng nghiệp, trong đó có bí quyết xin phép vào nhà vệ sinh tranh thủ ghi chép thông tin.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, thành viên nhóm biên soạn cuốn sách, nhận định nhà báo Trần Đức Chính không chỉ ghi dấu với tiểu phẩm bình luận mà còn là cây bút viết tản mạn hay. Các bài viết của ông có giá trị với cộng đồng và truyền lửa cho thế hệ sau.
Nhà báo Trần Đức Chính 80 tuổi, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Từ năm 1968-1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leningrad (Liên Xô cũ). Ông trải qua các chức danh Phó Tổng biên tập báo Lao Động, Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận.
Hà Thu