Những năm đầu thế kỷ 20, Ngô Quý Sơn biên soạn sách bằng tiếng Pháp trên Kỷ yếu của Viện Nghiên cứu về con người Đông Dương. Những tài liệu được ông thu thập vào năm 1940 và 1941 tại một số làng ở miền Bắc. Ông quan sát trực tiếp nhiều trò chơi tại tỉnh Hà Đông (cũ), Bắc Ninh và Sơn Tây (cũ). Thông tin về trò chơi ở địa phương khác được người tại đó, song tạm trú ở Hà Nội, cung cấp.
Sách nói về các trò phổ biến ở Bắc Bộ gồm cách thức chơi, nơi tổ chức, đối tượng tham gia. Tác giả đưa ra hệ thống về 11 loại trò liên quan đến cơ thể, dùng que, dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều, các bài đồng dao...
Gần 100 trò được miêu tả chi tiết như rồng rắn, ô quan, dung dăng dung dẻ, hò khoan, thả diều. Với trò nu na nu nống, ông chú thích: "Trẻ trai, trẻ gái. Chơi chung hoặc riêng. Quanh năm. Phổ biến".
Ông ghi chép các phiên bản khác nhau kèm địa danh. Ví dụ, bản gốc của trò Nu na nu nống được Ngô Quý Sơn ghi: "Nu na nu nống/ Cái cống nằm ngang/ Cái ong nằm ngoài/ Củ khoai chấm mật/ Bụt ngồi Bụt khóc/ Con cóc nhảy ra/ Con gà ú ụ/ Bà mụ thổi xôi/ Nhà tôi nấu chè/ Tè he chân rụt".
Với bản Bắc Ninh (luật chơi có thay đổi), ông ghi: "Nu na nu nống/ Thằng Cống cái Cạc/ Chân vàng chân bạc/ Đá xỉa đá xoi/ Đá đầu con voi/ Đá chân thì rụt". Phiên bản Hà Đông là "Nu na nu nống/ Cái cống càng cạng/ Đá giạng đôi bên/ Đá lên đá xuống/ Đá ruộng bồ câu/ Đá đầu con voi/ Đá xoi đá xỉa/ Đá nửa cành sung/ Đá ra đường cái/ Gặp gái giữa đường/ Gặp phường trống quân/ Có chân thì rụt".
Với những miêu tả chi tiết cùng tranh minh họa, cuốn sách đưa độc giả đến thế giới giải trí của trẻ em, tiếp cận tập tục và truyền thống sinh hoạt của người Việt xưa theo cách tự nhiên, gần gũi.
Trong sự kiện ra mắt sách ngày 18/11, Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính, tiến sĩ Mai Anh Tuấn và thạc sĩ Nguyễn Giang Linh nhận định sách là nguồn tư liệu gốc, đáng tin cậy với độ chính xác cao, tác giả không đưa ra ý kiến chủ quan.
Thông tin cá nhân về Ngô Quý Sơn ít, gần như không có. Theo những người trong ngành, ông cùng thế hệ cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên - những người đầu tiên chịu ảnh hưởng của nền dân tộc học Pháp. Ông coi trọng tư liệu, nhất là tư liệu điền dã - tôn trọng câu trả lời của chủ thể, không gợi ý hay áp đặt.
Theo các diễn giả, sách tái hiện nét đẹp về xã hội và con người Việt đầu thế kỷ 20. Khi ấy, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn. Tinh thần quyết thắng, đoàn kết và tấm lòng bao dung của dân tộc dần được hình thành qua các tập tục.
Nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính cho rằng Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ là lời nhắc nhở mọi người về giá trị của lịch sử. Dù các trò chơi truyền thống dần mất đi, sách giúp các bạn trẻ nhớ về cuội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời, tác phẩm có giá trị với khoa học giáo dục ngày nay. Nhờ các trò chơi dân gian, trẻ em hình thành tính cách và khám phá thế giới xung quanh, từ đó phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Với người trưởng thành, sách sẽ khơi gợi tiềm thức và kỷ niệm thời thơ ấu.
Thanh Giang